Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, khử nhiễm là quá trình loại bỏ chất phóng xạ ở nhà máy điện nguyên tử bằng hóa chất. Đây là một quá trình thiết yếu để giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ cho người lao động để công nhân có thể tiến hành phá dỡ nhà máy một cách an toàn. Ủy ban An toàn năng lượng nguyên tử sẽ chỉ phê chuẩn phá dỡ nhà máy điện nguyên tử sau khi công đoạn này được thực hiện. Do vậy, khử nhiễm được coi là bước đầu tiên của quá trình phá dỡ nhà máy điện nguyên tử.
KHNP hiện đặt mục tiêu giảm nồng độ phóng xạ xuống khoảng 3,3% bằng cách bơm các loại hóa chất vào hệ thống làm mát lò nguyên tử, hệ thống kiểm soát hóa chất/thể tích, hệ thống kiểm soát nhiệt dư, những nơi được phỏng đoán là có ô nhiễm phóng xạ nặng nhất.
Thông tin cho biết khi quy trình khử nhiễm hệ thống được hoàn thành thì coi như quá trình chuẩn bị phá dỡ đã được hoàn tất. Nếu được Ủy ban An toàn năng lượng nguyên tử phê chuẩn phá dỡ, thì các thanh nhiên liệu hạt nhân sau sử dụng sẽ được đưa ra khỏi nhà máy Kori số 1. Các tòa nhà sẽ được phá dỡ theo thứ tự từ những kết cấu không bị nhiễm phóng xạ trước, sau đó tới những kết cấu bị nhiễm phóng xạ; và cuối cùng là toàn bộ khu đất xây dựng nhà máy được phá dỡ hoàn toàn thành khu đất trống.
Đại diện phía nhà máy Kori số 1 cho biết thông thường quá trình phá dỡ nhà máy điện nguyên tử tại nước ngoài mất khoảng từ 7-8 năm. Tuy nhiên, quá trình này ở Hàn Quốc có thể kéo dài hơn, do hiện tại vấn đề xây dựng kho bảo quản tạm thời thanh nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng của nhà máy Kori số 1 vẫn chưa được giải quyết.
Nhà máy Kori số 1 là nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Hàn Quốc, đi vào hoạt động từ ngày 29/4/1978. Nhà máy này đã đóng cửa vĩnh viễn vào ngày 18/6/2017, và công việc chuẩn bị cho việc phá dỡ đã được tiến hành trong suốt thời gian qua.