Quá trình luận tội Tổng thống Park Geun-hye (ảnh) có thể mở ra một giai đoạn khủng hoảng mới của chính trị Hàn Quốc. Ảnh: EPA/TTXVN |
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn nhận định của giáo sư chính trị Kim Hyung-joon tại trường Đại học Myongji cho hay, sau sự kiện Quốc hội Hàn Quốc thông qua thủ tục luận tội, nền chính trị Hàn Quốc nhiều khả năng tiếp tục rơi vào các vòng hỗn loạn trong bối cảnh đảng cầm quyền vốn dĩ đang rạn nứt chắc chắn sẽ đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc hơn, còn các đảng đối lập sẽ bị cuốn vào cuộc đối đầu nội bộ trong việc lựa chọn ra người đại diện trong cuộc bỏ phiểu bầu tổng thống năm sau.
Giáo sư Kim bình luận thêm, khi sự hỗn loạn cùng bao trùm lên cả đảng cầm quyền và đối lập, nền chính trị Hàn Quốc sẽ khó tránh khỏi việc rơi vào tình trạng liên tục thay đổi.
Bên cạnh những cuộc đấu đá bên trong nội bộ đảng, các cuộc tranh cãi giữa các bên liên quan xoay quanh số phận của Tổng thống Park Geun-hye cũng như nội các hiện hành hứa hẹn tiếp tục làm dậy sóng chính trường của "Xứ sở Kim chi".
Dù thủ tục luận tội đã được thông qua, song Đảng Dân chủ, đảng đối lập chính, vẫn gia tăng áp lực yêu cầu bà Park Geun-hye từ chức, cho rằng việc bà Park sớm rời khỏi Nhà Xanh (Phủ Tổng thống) là cách duy nhất để “bình thường hóa” các vấn đề quốc gia và đưa nước này ra khỏi tình trạng chính trị bế tắc hiện nay.
Đảng đối lập này cũng yêu cầu thủ tướng rời nhiệm sở với lý do việc Quốc hội bỏ phiếu khởi động quá trình luận tội tổng thống cũng đồng nghĩa với việc công luận không chấp nhận tư cách của các thành viên nội các.
Tuy nhiên, đảng cầm quyền Saenuri bác bỏ việc bà Park Geun-hye từ chức trong lúc quá trình luận tội đang diễn ra, nhấn mạnh phớt lờ quá trình này và buộc tổng thống từ chức là hành vi “vi hiến". Đảng cầm quyền cũng không chấp nhận việc thay thế thủ tướng do quan ngại việc này có thể làm trầm trọng hơn vấn đề hiện nay của Hàn Quốc.