Các giáo sư y khoa ở Hàn Quốc chính là lực lượng bác sĩ cấp cao tại các bệnh viện đại học lớn. Động thái trên cho thấy căng thẳng y tế kéo dài hơn một tháng qua ở Hàn Quốc chưa có dấu hiệu giảm nhiệt bất chấp nỗ lực kêu gọi đối thoại của chính phủ.
Hiệp hội Giáo sư Y khoa Hàn Quốc cho biết các giáo sư của 19 trong số 40 trường y trên toàn quốc đã ký một tuyên bố chung phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh của chính phủ và thông báo bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc ngay trong ngày. Nhóm giáo sư này cũng giảm giờ làm xuống 52 giờ/tuần thông qua việc điều chỉnh lịch phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác cho đến khi đơn từ chức được chấp thuận. Họ tuyên bố sẽ chỉ đàm phán nếu chính phủ bãi bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Các giáo sư y khoa tại Đại học Y Yonsei, một trong những trường y lớn nhất Hàn Quốc, đã nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt. Tuy nhiên, con số chính xác chưa được tiết lộ. Khoa y của Đại học Ulsan cũng có động thái tương tự với 433 trong số khoảng 1.000 giáo sư xin thôi việc. Trong khi đó, các giáo sư trường y tại Đại học Quốc gia Seoul và Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul cũng bắt đầu nộp đơn xin nghỉ việc.
Hành động tập thể của các giáo sư y khoa khiến dư luận lo ngại sẽ làm tê liệt thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Cho Gyu-hong cho biết theo chỉ đạo của Tổng thống Yoon Suk Yeol về việc linh hoạt xử lý hành chính đối với các bác sĩ tập sự, bộ chủ quản đã bắt đầu các bước thiết thực để tham vấn các chính đảng nhằm đối thoại cởi mở với cộng đồng y tế để có giải pháp phù hợp tháo gỡ bế tắc hiện tại.
Cuộc đình công của các bác sĩ tập sự trên toàn Hàn Quốc đã kéo dài hơn một tháng, bắt đầu từ ngày 19/2. Khoảng 90% trong tổng số 13.000 bác sĩ tập sự ở Hàn Quốc đã đồng loạt nghỉ việc để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 2.000 người bắt đầu từ năm 2025. Việc các bác sĩ tập sự đồng loạt nghỉ việc đã làm gián đoạn dịch vụ y tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của một số bệnh viện đa khoa lớn ở Hàn Quốc. Chính phủ nước này đã nỗ lực để duy trì hệ thống chăm sóc y tế khẩn cấp một cách suôn sẻ, đồng thời tích cực vận động để giải quyết căng thẳng.