Nghị sự Bán đảo Triều Tiên
Một trong các kế hoạch ngoại giao quan trọng của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong tháng 10 là chuyến thăm Mỹ vào ngày 16. Đây sẽ một trong những phép thử đối với khả năng của nữ chính khách này trong một chuỗi nhiệm vụ: cảnh báo các hoạt động quân sự mà phía Triều Tiên có thể thực hiện, xoa dịu Washington khi mối quan hệ Seoul - Bắc Kinh được cho là đang trở nên “ấm áp” hơn, và thúc đẩy quan hệ Hàn - Nhật. Chuyến thăm này ban đầu được dự kiến vào giữa tháng 6/2015 nhưng bị hoãn lại do Chính phủ Hàn Quốc phải tập trung đối phó với sự bùng phát của Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) - căn bệnh đã tác động mạnh tới nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là lĩnh vực du lịch hút khách của “xứ sở kim chi”.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thăm Mỹ vào ngày 16/10. Ảnh:AFP/TTXVN |
Một trong các chủ đề chính tại cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Washington sắp tới, tất nhiên bà Park Geun-hye muốn tìm kiếm sự ủng hộ của phía Mỹ đối với vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Từ khi lên nắm quyền, bà đã vạch ra "Tiến trình xây dựng lòng tin" trên Bán đảo Triều Tiên nhằm thu hút sự tham gia nhiều hơn của Bình Nhưỡng. Thỏa thuận liên Triều vừa đạt được hôm 25/8 đã bước đầu hiện thực hóa các cam kết của Tổng thống Park. Tuy nhiên, văn kiện này có tạo được bước ngoặt lớn hơn trong quan hệ liên Triều hay không thì chưa thể khẳng định chắc chắn được.
Những diễn biến gần đây dường như đang cho thấy một thực tế khác. Người ta lo ngại khả năng Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa (mà giới chức nước này nhiều lần tiết lộ) có thể làm phương hại đến các nỗ lực hòa bình của bà Park cũng như tinh thần hòa giải liên Triều vừa được khơi lại. Trong khi đó, việc Triều Tiên kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động với màn duyệt binh quy mô lớn với tuyên bố cứng rắn của nhà lãnh đạo Kim Jong-un rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng chống lại bất kỳ cuộc chiến nào do Mỹ phát động là một động thái mà Seoul không thể bỏ qua. Chính vì vậy, chuyến đi lần này cũng là dịp để Tổng thống Park thuyết phục người đồng cấp Mỹ từ bỏ hẳn thái độ hờ hững lâu nay và tăng cường nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cân bằng Mỹ- Trung
Xét ở một khía cạnh khác, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn sắp tới cũng là dịp để nữ Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định với Washington rằng quan hệ đồng minh giữa hai nước vẫn “vững như bàn thạch”, mặc dù quan hệ Hàn - Trung đang bước vào thời kỳ cải thiện. Dù Seoul nhiều lần bác bỏ nhưng các chính trị gia và học giả Mỹ vẫn cho rằng bà Park Geun-hye đang ngày càng ưu ái Bắc Kinh hơn, bất chấp việc Washington nỗ lực kiềm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy. Họ cũng chỉ ra rằng bà Park là nhà lãnh đạo duy nhất trong số các đồng minh của Mỹ tham dự lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng phát xít của nhân dân thế giới tại Bắc Kinh cùng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, thực tế, kế hoạch chuyến đi Mỹ sắp tới của bà Park đã được công bố từ hôm 13/8, tức là hai tháng trước khi kế hoạch diễn ra chứ không phải là hai tuần như thường lệ. Mặt khác, kế hoạch được công bố trước khi nhà lãnh đạo Hàn Quốc thăm Trung Quốc có lẽ cũng là cách để Seoul thể hiện một sự cân bằng nhất định trong quan hệ của mình với Washington và với Bắc Kinh.
Có thể thấy, Tổng thống Park Geun-hye đang thành công trong việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, đồng thời duy trì liên minh vững chắc với Mỹ. Hàn Quốc đã ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Trung Quốc và tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc đứng đầu. Trong khi đó, Seoul đã giải quyết khéo léo một số vấn đề gai góc với Mỹ, tiếp tục hoãn chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc (điều mà Mỹ mong muốn) và ký thỏa thuận hợp tác song phương về năng lượng nguyên tử. Chuyến thăm Mỹ của bà Park Geun-hye là cơ hội để hai nước khẳng định sức mạnh liên minh Hàn - Mỹ. Rõ ràng, Hàn Quốc đang tái lập "cảm giác cân bằng” trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Cải thiện với Nhật Bản
Bên cạnh đó, chuyến thăm Mỹ lần này của bà Park Geun-hye cũng có tầm quan trọng đáng kể khi vai trò của Washington, với tư cách là "cầu nối" giữa Seoul và Tokyo trong một quan hệ đồng minh ba bên, đang ngày càng gia tăng. Đối với bà Park, nước láng giềng Nhật Bản vẫn luôn là một vấn đề. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là cải thiện quan hệ với Nhật Bản do chịu áp lực từ phía Mỹ - điều có thể đi ngược lại nguyện vọng của một bộ phận không nhỏ người dân.
Trong bức tranh địa chính trị Đông Bắc Á đang thay đổi nhanh chóng, mỗi nước đều tìm cách tiếp cận khôn khéo nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia, và bà Park cũng đang chủ động cải thiện quan hệ với Nhật Bản vì điều này. Cách bà phê phán nhẹ nhàng và thận trọng bài phát biểu của Thủ tướng Abe trong dịp kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới II chính là một dấu hiệu “phá băng” quan hệ Hàn - Nhật. Trong bài diễn văn nhân Ngày Giải phóng 15/8, bà cũng khẳng định Hàn Quốc muốn bình thường hóa quan hệ vốn đang rất căng thẳng với Nhật Bản, đặc biệt là tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh ba bên với Trung Quốc và Nhật Bản vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo vấn đề lịch sử vẫn có thể là trở ngại chính trên con đường cải thiện quan hệ song phương, nhất là vấn đề “phụ nữ mua vui” trong chiến tranh. Đó là chưa kể những e ngại từ phía Seoul sau khi Nhật Bản thông qua Luật An ninh quốc gia mới (mà Mỹ ủng hộ nhiệt liệt). Với các đạo luật này, quân đội Nhật Bản có thể tham gia chiến đấu ở nước ngoài, đồng nghĩa với khả năng tiến vào lãnh thổ Hàn Quốc dù chưa được Seoul cho phép.
Đây là chuyến thăm thứ hai của Tổng thống Park tới Mỹ kể từ khi nhậm chức đầu năm 2013. Sẽ còn nhiều giằng xé trong các quan hệ tay đôi, tay ba, tay tư giữa Hàn Quốc với Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, chuyến thăm sắp tới được trông đợi sẽ là cơ hội để tái khẳng định mối liên minh vững chắc, năng động và đang phát triển giữa Hàn Quốc và Mỹ.