Tổng thống Moon Jae-in. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Theo quan chức tiết lộ thông tin trên, Seoul có thể sớm đưa ra đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên.
Trước đó, trong một bài phát biểu tại Berlin (Đức) ngày 6/7, ông Moon Jae-in đã trình bày tầm nhìn của mình về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong đó đề xuất hai miền Triều Tiên dừng mọi hành động thù địch dọc theo biên giới.
Phản ứng về đề xuất này, báo Rodong Sinmun - cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên - số ra ngày 15/7 nhận định rằng “thật may mắn” khi ông Moon đã đề cập đến những cam kết của phía Seoul về việc thực hiện 2 tuyên bố chung mang tính lịch sử, được ký kết trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều diễn ra vào các năm 2000 và 2007.
Hai tuyên bố này thúc đẩy hợp tác, trao đổi và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, tác giả bài xã luận trên cho rằng sáng kiến hòa bình mà ông Moon đưa ra tại Đức sẽ không giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều đang trong tình trạng căng thẳng, đồng thời đề nghị Seoul cần có “sự thay đổi cơ bản trong chính sách và lập trường”.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết Bình Nhưỡng cho rằng việc Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường sức ép sẽ cản trở mọi triển vọng đàm phán. Tuyên bố của KCNA nêu rõ: “Mỹ cần hiểu rằng một khi họ chưa dừng tiến hành các chính sách thù địch chống Triều Tiên, chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ trở thành chủ đề thảo luận và mọi cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ không bao giờ diễn ra”.
Trước đó, Mỹ đã gửi tới các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc một bản dự thảo nghị quyết áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đúng ngày Quốc khánh Mỹ 4/7 vừa qua.