Số liệu của MOIS cho thấy, tính đến ngày 31/12/2022, dân số đăng ký cư trú tại Hàn Quốc là 51.439.0 người, giảm 199.771 người (0,39%) so với năm 2021 (51.6.809 người). Dân số đăng ký cư trú bao gồm: người có địa chỉ cư trú, người không rõ địa chỉ cư trú nhưng có đăng ký và người Hàn Quốc đang cư trú tại nước ngoài. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này xuất phát từ xu hướng “lười” kết hôn và sinh con của giới trẻ Hàn Quốc cũng như vấn đề già hóa dân số đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở đây.
Mức giảm dân số theo yếu tố tự nhiên (sinh/tử) năm 2022 là 118.003 người, dân số tạm trú dài hạn không xác định bị hủy đăng ký là 101.9 người. Trong khi đó, số trẻ em được sinh ra là 254.628 trẻ, giảm 3,23% so với năm 2021. Trong khi số trẻ được sinh ra liên tục giảm kể từ năm 2016 thì số người chết lại tăng trong 3 năm liên tiếp, dẫn đến mức giảm dân số theo yếu tố tự nhiên cũng ghi nhận mức cao nhất từ trước tới nay.
Chênh lệch dân số về giới tính (nữ/nam) ở Hàn Quốc cũng lớn chưa từng có với số hộ độc thân chuẩn bị vượt ngưỡng 10 triệu. Xét theo giới tính, dân số nam giới ở Hàn Quốc đã giảm 4 năm liên tiếp xuống còn 25.636.951 người (chiếm 49,8%), dân số nữ giới cũng giảm trong 2 năm liên tiếp xuống còn 25.802.087 người (chiếm 50,2%). Chỉ tính riêng trong năm 2022, số ca sinh con trai là 130.167 ca, trong khi sinh con gái là 124.461 ca. Tỷ số giới tính khi sinh (số bé trai/số bé gái x 100) là 104,6, giảm so với năm 2021 (105,1). Tuy nhiên, khoảng cách số lượng dân số giữa nam giới và nữ giới lại đạt mức cao kỷ lục 165.136 người. Tại Hàn Quốc, dân số nữ giới lần đầu tiên vượt nam giới là vào năm 2015.
Trong khi dân số cư trú tiếp tục giảm, số lượng hộ gia đình lại ghi nhận xu hướng tăng đều đặn khi tỷ lệ hộ gia đình 1 người tăng lên. Tổng số hộ gia đình vào năm 2022 được ghi nhận là 23.705.814 hộ, tăng 232.919 hộ (0,99%) so với năm 2021. Ngược lại, số thành viên trung bình trong hộ gia đình giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 2,17. Hộ gia đình độc thân tiếp tục tăng sau khi lần đầu tiên vượt 40% vào năm 2021 và 41% vào năm 2022 (9.724.256 hộ) và chuẩn bị phá vỡ mốc 10 triệu hộ. Nếu xét chung số hộ gia đình có 1 hoặc 2 thành viên, con số này chiếm tới 65,2%, tăng 1% so với năm 2021 (62,4%).
Tỷ lệ già hóa dân số ở Hàn Quốc cũng tăng nhanh khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 18%. Theo định nghĩa của LHQ, dân số cao tuổi dùng để chỉ những người trên 65 tuổi, khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số của khu vực vượt quá 7% là xã hội già hóa, khi tỷ lệ này là 14% trở lên đó là một xã hội dân số già, và khi chạm mức 20% thì quốc gia đó đã bước vào xã hội siêu già. Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi dân số cao tuổi chiếm 7,2%. Năm 2018, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt 14,4% đã khiến quốc gia này chính thức bước vào xã hội dân số già. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc dự đoán với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025 Hàn Quốc sẽ đạt 20,6% dân số cao tuổi và nước này sẽ chính thức bước vào giai đoạn xã hội siêu già.
Xét theo nhóm tuổi, dân số dưới 10 tuổi và nhóm tuổi 20, 30, 40 đồng loạt giảm trong khi các nhóm tuổi từ 50 trở lên đều ghi nhận xu hướng tăng. Cụ thể, trong tổng dân số, những người ở độ tuổi 50 vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 16,7%, tiếp theo là những người ở độ tuổi 40 với 15,7%, những người ở độ tuổi 60 là 14,4%, những người ở độ tuổi 30 là 12,9%, những người ở độ tuổi 20 là 12,48% và nhóm từ 70 tuổi trở lên là 11,82%. Dân số ở độ tuổi thanh thiếu niên và vị thành niên chỉ chiếm lần lượt là 9,1% và 6,9%.
Thứ trưởng Bộ Hành chính và An ninh Hàn Quốc Han Chang-seop cho rằng: “Có thể coi tình trạng suy giảm dân số hiện nay là một thách thức của quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực hết mình để đối phó với hiện trạng này, trong đó sẽ tích cực hợp tác với các bộ, ngành liên quan để hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện các chính sách hồi sinh khu vực như cải thiện điều kiện định cư và tạo việc làm”.