Hàn Quốc cho biết việc chỉ định vị trí mới này nằm trong nỗ lực muốn nắm rõ và phán đoán đường lối định hướng chính sách ngoại giao của chính quyền Mỹ mới đối với khu vực Đông Bắc Á.
Một quan chức đã được chỉ định làm nhiệm vụ hàng ngày theo dõi các dòng tin thông báo đăng tải trên trang Twitter cá nhân của ông Trump. Phía Hàn Quốc nhận định chính quyền Seoul “vẫn đang trong quá trình xây dựng quan hệ với Tổng thống đắc cử Mỹ và chưa nắm rõ chính sách đối ngoại của ông ấy”.
Theo như bài viết trên nhật báo JoongAng, “dòng tin tweet 140 ký tự (số từ tối đa cho mỗi bài đăng trên Twitter) của ông ấy hiện nay là kênh thông tin hiệu quả nhất để có thể nhìn thấu chính sách ngoại giao chính quyền mới”.
Một trong những dòng tweet gần đây nhất của Tổng thống đắc cử Trump có liên quan đến Hàn Quốc là phản ứng trước lời đe dọa của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay trong Năm mới, khi ám chỉ Triều Tiên đang tiến gần đến việc thành công "phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào các mục tiêu ở Mỹ”.
Trong dòng tweet của mình, ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố: “Chuyện đó sẽ không xảy ra”. Đây cũng là lần đầu tiên dư luận thế giới thấy rõ thái độ của chính quyền Washington sắp tới về chương trình xây dựng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Sau khi chiến thắng bầu cử, thay vì tiếp quản lối chính trị truyền thống, ông Trum lại khiến quan chức ngoại giao các nước đứng ngồi không yên khi thường xuyên đưa ra những thông điệp đối ngoại nhạy cảm trên tài khoản Twitter cá nhân.
Trong khi một số nước như Hàn Quốc sẵn lòng chấp nhận và tiếp cận lối ngoại giao mới của ngài Tổng thống sắp nhậm chức này của Mỹ thì vẫn còn các quốc gia phản đối, điển hình là Trung Quốc, chỉ trích “việc nghiện ngoại giao Twitter là không khôn ngoan”.
Trước đó ông Trump cũng nhiều lần có những dòng tweet cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ, bảo vệ cuộc điện đàm giữa ông và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hay lên án Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.