Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), trong số 59 ca nhiễm mới có 51 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 8 ca nhập cảnh. Xét theo khu vực, thủ đô Seoul ghi nhận 24 ca, tỉnh Gyeonggi 15 ca, thành phố Daejeon 7 ca, tỉnh Nam Chungcheong 3 ca, khu vực thành phố Sejong và tỉnh Bắc Jeolla mỗi nơi một ca nhiễm mới. Trong số 8 ca nhập cảnh gồm 4 ca phát hiện tại sân bay và 4 ca xác nhận trong quá trình tự cách ly tại thành phố Seoul, tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon và thành phố Daegu.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có xu hướng lan rộng trở lại trên quy mô toàn cầu, chỉ tính riêng trong tháng 6 này Hàn Quốc đã 4 lần ghi nhận số ca nhiễm mới nhập cảnh ở mức hai con số. Mặc dù phần lớn các ca nhiễm mới tập trung ở khu vực quanh thủ đô Seoul song theo KCDC hiện nhiều khu vực trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc cũng bắt đầu ghi nhận những ca nhiễm mới, bao gồm cả thành phố Daejeon, nơi trong suốt một tháng qua không phát sinh ca mới.
Cũng theo KCDC, các ca lây nhiễm tập thể mới phát hiện chủ yếu liên quan đến người cao tuổi và các hoạt động tôn giáo đông người. Cụ thể Trung tâm chăm sóc sức khỏe Seongsim ở quận Dobong, phía Đông Bắc Seoul đã trở thành một ổ dịch mới với tổng cộng ca nhiễm, tăng 26 ca so với một ngày trước.
Tính đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm liên quan đến Công ty bán hàng đa cấp Rich Way ở quận Gwanak, thành phố Seoul là 180 ca. Số ca liên quan vụ lây nhiễm tập thể ở Câu lạc bộ bóng bàn quận Yangcheon cũng đã lên tới 67 ca. Ngoài ra, thành phố Daejeon đã ghi nhận có thêm 15 ca nhiễm mới chỉ trong hai ngày 15 và 16/6 vừa qua mà nguyên nhân được xác định là do lây nhiễm chéo tại các nhà thờ và cửa hàng trong nhà thờ.
KCDC cho biết các cơ quan chức năng của Hàn Quốc đang chuẩn bị cho khả năng đại dịch COVID-19 kéo dài và nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm quy mô lớn thứ hai ở nước này. Phát biểu với báo giới, Trưởng ban phòng dịch (thuộc Ủy ban khắc phục sự cố trung ương) Yoon Tae-ho nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất hiện nay là phải ngăn chặn các cụm lây nhiễm lẻ tẻ. Nếu dịch COVID-19 bùng phát trở lại, chúng tôi sẽ có cách đối phó nhằm giảm thiểu tối đa sự lây lan".
Theo đó, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các cơ quan y tế có thể xem xét áp dụng trên quy mô toàn quốc các biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa lây nhiễm vốn đang được áp dụng tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận.
* Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết tính đến sáng 18/6, nước này đã ghi nhận thêm 12.881 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 366.946 ca, trong đó có 12.237 ca tử vong.
Ấn Độ đã ghi nhận 5.000 ca tử vong đầu tiên trong 80 ngày và 5.000 ca tử vong mới nhất chỉ trong 17 ngày. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng lên 3,4% sau khi số người chết tăng mạnh trong những ngày qua.
Trong cuộc họp với các thủ hiến bang hôm 17/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hối thúc các thủ hiến cần tính đến giai đoạn mở cửa thứ hai nhưng cũng phải tìm cách giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.
Tổ chức Fitch Ratings đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế Ấn Độ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, cho rằng đại dịch đã làm suy yếu đáng kể triển vọng tăng trưởng của quốc gia Nam Á này trong năm nay và nêu bật những thách thức liên quan đến gánh nặng nợ công cao.