Trước đó, Hàn Quốc đã lên kế hoạch phóng vệ tinh quân sự trên bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của công ty vũ trụ SpaceX từ Căn cứ không quân Vandenberg tại California (Mỹ) vào ngày 30/11. Vụ phóng nằm trong dự án của Hàn Quốc nhằm đưa 5 vệ tinh trinh sát quân sự được chế tạo trong nước lên quỹ đạo vào cuối năm 2025.
Hiện Hàn Quốc chưa sở hữu vệ tinh quân sự nào của riêng nước này và phải dựa vào vệ tinh quân sự của Mỹ để giám sát những động thái từ bên ngoài. Theo ông Lee Choon Geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện chính sách công nghệ và khoa học Hàn Quốc, việc sở hữu riêng vệ tinh trinh sát quân sự sẽ giúp đảm bảo một hệ thống giám sát độc lập để theo dõi mọi động thái từ bên ngoài.
Cùng ngày, Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) cũng cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc sử dụng vệ tinh thương mại ở quỹ đạo Trái Đất tầm thấp để nâng cao năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang. Một dự án trị giá 39,8 tỷ won (30,6 triệu USD) đã được ký với Hanwha Systems Co. nhằm phát triển hệ thống liên lạc quân sự sử dụng vệ tinh thương mại của Hanwha hoạt động dưới độ cao 2.000 km.
Các động thái trên của Hàn Quốc diễn ra sau khi Triều Tiên hôm 21/11 thông báo đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên vào quỹ đạo. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo vệ tinh đã vào quỹ đạo và truyền hình ảnh về mặt đất. Tuy nhiên, các quan chức Hàn Quốc và giới phân tích nói rằng vẫn cần thêm thời gian để xác định năng lực của vệ tinh này.