Tại cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp này, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đã thống nhất thúc đẩy liên hệ ngoại giao với Triều Tiên và thực hiện các "bước đi thực tế" nhằm giảm căng thẳng. Hai bên tái khẳng định đối thoại sẽ được thúc đẩy dựa trên các thỏa thuận trước đó, trong đó có thỏa thuận năm 2018 giữa Triều Tiên và Mỹ tại Singapore.
Ngoài ra, việc ông Biden bổ nhiệm cựu Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Sung Kim làm Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên cũng được coi là dấu hiệu cho thấy Washington đã sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng.
Phát biểu trên một chương trình phát thanh địa phương, Bộ trưởng Lee In-young nhấn mạnh: "Chắc chắn đối thoại sẽ dựa trên thỏa thuận Mỹ - Triều tại Singapore, điều mà Triều Tiên đã hy vọng".
Ngoài ra, ông Lee In-young lưu ý thêm rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn là cơ hội giúp tạo ra các điều kiện "đủ" để Mỹ - Hàn - Triều tiến hành một vòng đối thoại "chân thành", cũng như tích cực nỗ lực cải thiện quan hệ. Ông cũng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ đồng ý nối lại đối thoại.
Đến nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra phản ứng về kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hàn, nhất là trước những tuyên bố của Tổng thống Joe Biden về việc Washington sẵn sàng giao thiệp ngoại giao với Bình Nhưỡng.
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng bị đình trệ sau khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 tại Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump. Hai bên vẫn có quan điểm khá xa nhau về mức độ phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng để đổi lại các nhượng bộ từ phía Washington. Sau khi Tổng thống Joe Biden chính thức nhậm chức, chính quyền mới của Mỹ cho biết đã liên hệ với Bình Nhưỡng vào giữa tháng 2 nhưng chưa nhận được phản hồi.