Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 28/3 cho biết nước này ghi nhận thêm 187.213 ca mắc mới, trong đó có 25 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.003.054 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 2/3 vừa qua, số ca nhiễm mới hằng ngày ở Hàn Quốc giảm xuống dưới ngưỡng 200.000 ca. Số ca tử vong là 287 ca, tăng 5 trường hợp so với một ngày trước và tỷ lệ tử vong vẫn là 0,13%. Số ca nặng đã lên mức cao nhất là 1.273 ca, tăng 57 so với ngày trước đó. Hiện khoảng 70% số giường dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng đã được sử dụng.
Phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban phòng dịch trung ương cùng ngày, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết làn sóng lây nhiễm đã đạt đỉnh vào tuần trước và hiện chuyển sang xu hướng giảm sau 11 tuần. Bộ trưởng Kwon lưu ý rằng: "Chúng ta không thể mất cảnh giác bởi số ca bệnh nặng và tử vong có thể tăng cao hơn nữa trong vòng 2-3 tuần sau khi đạt đỉnh".
KDCA cho biết chủng BA.2 đã trở thành biến thể gây lây nhiễm chính ở Hàn Quốc khi có tới 56,3% tổng số ca nhiễm được ghi nhận trong tuần trước, tăng hơn 2 lần so với mức 22,9% trong tuần đầu tiên của tháng 3. Bộ trưởng Kwon nhấn mạnh: "Do biến thể BA.2 đang lây lan với tốc độ nhanh và số cac\ nhiễm mới đã tăng trở lại ở một số quốc gia châu Âu nên chúng ta cũng cần theo dõi tình hình chặt chẽ hơn trước khi khẳng định chắc chắn rằng đại dịch hiện nay đang có chiều hướng giảm dần".
Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ có nhiều phòng khám y tế địa phương quy mô nhỏ hơn cung cấp dịch vụ điều trị trực tiếp cho số bệnh nhân này. Kể từ khi làn sóng lây nhiễm Omicron xuất hiện, Cơ quan Y tế Hàn Quốc đã thay đổi biện pháp phòng dịch, chuyển từ việc truy vết nghiêm ngặt, ngăn ngừa tiếp xúc... sang tập trung hỗ trợ những bệnh nhân COVID-19 nặng và các biện pháp ngăn ngừa tử vong. Hiện số bệnh viện và phòng khám có thể tư vấn, kê đơn cho bệnh nhân COVID-19 (là đối tượng quản lý thông thường tại khu vực dân cư) đã tăng lên thành 9.130 cơ sở. Bệnh nhân có nhu cầu hoặc được trung tâm y tế thấy là cần thiết thì có thể chuyển sang nhóm đối tượng quản lý tập trung để được theo dõi sức khỏe tại 1.139 trung tâm y tế trên toàn quốc. Trung tâm điều trị ngoại trú để bệnh nhân COVID-19 đang tự chữa tại nhà có thể đến thăm khám đã tăng lên thành 263 cơ sở. Cơ quan phòng dịch cũng mở rộng đối tượng khám chữa bệnh của trung tâm triều trị COVID-19 ngoại trú để người dân có thể đến bệnh viện, phòng khám điều trị các bệnh lý khác. Những đối tượng này có thể đặt lịch khám chữa bệnh tại bệnh viện từ ngày 30/3 và tại phòng khám từ ngày 4/4 tới.
Mặt khác, thuốc điều trị COVID-19 dạng uống cũng sẽ đưa vào điều trị cho 460.000 bệnh nhân cho tới cuối tháng 4 tới. Cơ quan y tế cũng đang xem xét nhập thêm thuốc kháng thể đơn dòng Evusheld của hãng dược AstraZeneca cho đối tượng là người bị suy giảm miễn dịch.