Một cửa hàng Lotte tại Bắc Kinh đã đóng cửa. Ảnh: AFP |
Tại một phiên họp Quốc hội, trả lời câu hỏi về phản ứng của Trung Quốc đối với triển khai THAAD, Bộ trưởng Joo cho biết Hàn Quốc đã khiếu nại lên WTO hồi tuần trước về việc "Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại" sau khi Bắc Kinh áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực du lịch và phân phối.
Theo hãng thông tấn Yonhap, hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, đang
đứng trước nguy cơ sụp đổ khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn.
Trong khi đó, ngành du lịch của nước này dự kiến thiệt hại nặng nề sau khi Trung Quốc cấm các công ty du lịch cung cấp các gói du lịch đến Hàn Quốc. Lệnh cấm này không chỉ tác động mạnh đến ngành du lịch của Hàn Quốc mà còn nhiều lĩnh vực liên quan, như ngành kinh doanh hàng miễn thuế vốn phụ thuộc nhiều vào du khách Trung Quốc.
Theo thống kê, du khách Trung Quốc chiếm 1/2 tổng số khách nước ngoài đến Hàn Quốc trong năm 2016 và chi tiêu ít nhất 2.000 USD/người để mua sắm tại đây.
Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí hoàn tất kế hoạch bố trí THAAD trong năm 2017. Hai bệ phóng di động của hệ thống THAAD cùng một số thiết bị khác đã được vận chuyển từ Mỹ đến căn cứ Không quân Osan tại Pyeongtaek từ ngày 7/3, sớm hơn dự kiến.
Với những động thái thúc đẩy, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết việc triển khai THAAD có thể hoàn tất trong 1-2 tháng tới, và hệ thống này có thể hoạt động sớm nhất là vào tháng 4.
Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km.
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band, hỏa lực và hệ thống kiểm soát. Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa từ Triều Tiên, Trung Quốc vẫn phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình.