Tham dự sự kiện có 1.200 người gồm nhiều quan chức Chính phủ như Thủ tướng Lee Nak-yon, Bộ trưởng Hành chính và An toàn Kim Boo-kyum, những người có đóng góp trong việc phát triển chữ Hàn Hangeul, đại diện các tổ chức liên quan tới Hangeul và Vua Sejong, cùng nhiều người dân, học sinh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Lee Nak-yon nhấn mạnh chữ Hàn Hangeul là một tài sản đáng tự hào cần được gìn giữ, không chỉ của dân tộc Hàn mà của cả nhân loại bởi không có nhiều dân tộc tự sáng tạo ra tiếng nói và chữ viết như dân tộc Hàn. Ông Lee Nak-yon cho biết sau 70 năm chia cắt, ý nghĩa và cách sử dụng tiếng Hàn của hai miền Nam-Bắc đã có nhiều sự khác biệt. Chính phủ sẽ tiếp tục xúc tiến dự án biên soạn chung "Đại từ điển tiếng Hàn" với phía Triều Tiên, một dự án được hai nước xúc tiến từ năm 2005.
Lễ kỷ niệm năm nay được kết nối với sự kiện "Lễ hội văn hóa Hangeul 2018" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức, với nhiều chương trình trải nghiệm, triển lãm, sự kiện văn hóa nghệ thuật đa dạng nhằm chia sẻ rộng rãi với toàn thể người dân về giá trị của chữ Hàn Hangeul.
Chữ Hàn Hangeul được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới hồi năm 1997. Hangeul được đánh giá là chữ viết mang tính logic và khoa học nhất thế giới.
Ngày sáng tạo chữ Hàn Hangeul được lập ra để kỷ niệm ngày ra đời cuốn sách Hunminjeongeum (Huấn dân chính âm, cuốn sách về sự ra đời của chữ cái và cách sử dụng tiếng Hàn) được công bố trong tháng 9 năm 1446 âm lịch. Đã có một khoảng thời gian, ngày này bị loại khỏi danh sách những ngày nghỉ lễ quốc gia tại Hàn Quốc với lý do có quá nhiều ngày nghỉ lễ sẽ gây trở ngại cho quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, Ngày sáng tạo chữ Hàn đã được tái chỉ định là ngày nghỉ lễ vào năm 2013.