Theo cơ quan trên, giá tiêu dùng, thước đo chính của lạm phát, đã tăng 3,8% trong tháng 10/2023 sau khi tăng 3,7% trong tháng 9/2023 và 3,4% trong tháng 8/2023 do giá dầu và hàng hóa nông sản cao.
Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và lương thực dễ biến động, đã tăng 3,6% trong tháng 10/2023, chậm lại so với mức tăng 3,8% trong tháng 9/2023.
Giá các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, gồm 144 mặt hàng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của người dân, như thực phẩm, quần áo và đồ gia đình, đã tăng 4,6% trong tháng 10/2023, tăng so với mức tăng 4,4% trong tháng trước đó.
Cụ thể, giá nông sản, gia súc và thủy sản tăng 7,3% trong tháng 10/2023, trong đó giá rau tăng 13,5%, cao nhất trong 29 tháng.
Các dịch vụ tiện ích cũng ghi nhận mức tăng 9,6% so với cùng kỳ trong tháng 10/2023 do giá năng lượng toàn cầu tăng. Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Giá sản phẩm công nghiệp tăng 3,5% trong tháng trước, so với mức 3,4% trong tháng 9/2023, chủ yếu do chi phí xăng dầu và quần áo cao hơn. Giá xăng đã tăng 6,9%, còn giá dầu diesel giảm 7,9%. Lĩnh vực dịch vụ cũng tăng 3% do chi phí bảo hiểm và phí quản lý nhà cao hơn.
Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho cho biết lạm phát dự kiến sẽ giảm với tốc độ chậm hơn dự kiến do những rủi ro địa chính trị từ Trung Đông, điều kiện thời tiết bất thường và các yếu tố khác. Do đó, chính phủ sẽ ưu tiên ổn định giá cả và kích hoạt một chương trình đặc biệt có sự tham gia của tất cả các bộ ngành liên quan.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết lạm phát dự kiến duy trì trên mức 3% cho đến hết năm 2023, cao hơn so với mức lạm phát mục tiêu 2%.
Trong tháng 10/2023, BoK đã giữ nguyên lãi suất ở mức 3,5% giữa lúc nợ hộ gia đình ở mức cao, kinh tế chậm lại và những bất ổn bên ngoài gia tăng. Tỷ lệ này được duy trì sau khi BoK tiến hành tăng lãi suất 7 lần liên tiếp từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023.