Trước tiên, sẽ cần một khoảng thời gian dài để thực hiện công tác kiểm chứng chuyên môn nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân cụ thể dẫn tới thảm họa. Dự kiến việc làm rõ mối quan hệ "nhân-quả" cụ thể trong thảm họa xảy ra do dòng người chen chúc, xô đẩy dẫn đến bị ngã đè, giẫm đạp lên nhau trong một con hẻm nhỏ sẽ không hề dễ dàng.
Mỗi quán nhậu, nhà hàng, câu lạc bộ ở khu vực Itaewon đều tổ chức tiệc tùng tự phát riêng lẻ trong đêm 29/10, trong khi thảm họa lại xảy ra ở không gian đường phố bên ngoài nên rất khó để truy cứu trách nhiệm đối với một chủ thể cụ thể nào.
Cơ quan Cảnh sát đã lập ra Ban điều tra trực thuộc Sở Cảnh sát quận Yongsan. Nhóm điều tra chuyên trách gồm 105 người, trong đó có Đội điều tra trọng án Sở Cảnh sát thành phố Seoul.
Bắt đầu từ chiều 31/10, Sở Cảnh sát thành phố Seoul đã phối hợp với Viện nghiên cứu điều tra khoa học quốc gia Hàn Quốc tiến hành công tác giám định chung. Nhóm giám định gồm hơn 40 người sẽ tập trung làm rõ nguyên nhân cụ thể dẫn tới thảm kịch, quá trình dòng người đổ dồn về con hẻm tử thần cạnh khách sạn Hamilton cùng một lúc và lý do mà mọi người không thể thoát ra ngoài.
Trọng tâm của việc điều tra cũng tập trung làm rõ liệu có ai cố ý đẩy dòng người hay không, và có công trình nào làm hẹp đi độ rộng của con đường một cách trái phép hay không.
Cảnh sát sẽ căn cứ vào kết quả phân tích các video quay tại hiện trường để làm rõ toàn bộ quá trình diễn ra thảm họa giẫm đạp. Những người có mặt tại hiện trường, các quán rượu xung quanh, chính quyền thành phố Seoul và quận Yongsan, lực lượng cảnh sát, đều có thể trở thành đối tượng trong cuộc điều tra này.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát cũng sẽ tập trung xác định các biện pháp an toàn đã được thực hiện một cách phù hợp hay không; đồng thời đối phó cứng rắn với các hành vi phát tán tin đồn sai sự thật trên mạng, làm rò rỉ thông tin cá nhân, tổn hại danh dự của các nạn nhân.
Viện Kiểm sát tối cao cũng lập ra Ủy ban đối sách khắc phục sự cố, đẩy nhanh triển khai quy trình xác định danh tính, khám nghiệm tử thi. Tuy nhiên, do không có quyền hạn điều tra đối với các tai nạn gây thương vong lớn về người, nên Viện Kiểm sát dự kiến sẽ triển khai nhanh công tác điều tra bổ sung và các nghiệp vụ xin lệnh của Tòa án đối với kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát.
Về thông tin cảnh sát không có phương án đối phó với tình huống tập trung đông người tại Itaewon, Cục trưởng Cục cảnh sát quản lý trật tự công cộng thuộc Cơ quan cảnh sát quốc gia Hong Ki-hyun thừa nhận cảnh sát không dự đoán được vụ việc tụ tập đông người dẫn đến thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon. Cục trưởng Hong cũng cho biết lượng người dồn về Itaewon năm nay cũng tương đương hoặc nhiều hơn chút so với những năm trước. Ông Hong cho biết đã bố trí 137 cảnh sát tại khu vực Itaewon vào đêm thứ Bảy (29/10), nhiều hơn so với mức từ 37 đến 90 cảnh sát của những năm trước COVID-19 và không xác nhận thông tin về việc có hiện tượng gia tăng đột ngột của đám đông.
Thảm kịch giẫm đạp xảy ra đêm 29/10 khi khoảng 100.000 người đổ xô đến các đường phố ở khu Itaewon để tham gia lễ hội Halloween. Tính đến đêm 30/10, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 154 người, ngoài ra có 133 người bị thương.
Đây là sự kiện Halloween đầu tiên được tổ chức ở Seoul trong 3 năm qua sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế do COVID-19. Vụ việc đánh dấu thảm kịch tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh trung học.
Các quan chức thành phố Seoul cho biết số người thiệt mạng có thể tăng vì hiện còn 37 người bị thương nặng. Trong số nạn nhân thiệt mạng, 97 người là nữ, 95 người ở độ tuổi 20, có 32 người ở độ tuổi 30, có 9 người ở độ tuổi 40 và 4 người ở tuổi thiếu niên. Số người nước ngoài thiệt mạng là 26 người từ 14 quốc gia, gồm Iran (5 người), Trung Quốc và Nga (4 người), Mỹ và Nhật Bản (2 người); Pháp, Australia, Na Uy, Áo, Thái Lan, Kazakhstan, Uzbekistan và Sri Lanka (mỗi nước có 1 người thiệt mạng). Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã xác định 1 công dân Việt Nam (sinh năm 2001) thiệt mạng trong vụ việc.