Hàn Quốc lần đầu tiên lâm vào tình cảnh suy giảm dân số đáng báo động

Hàn Quốc lâu nay đã ở trong cuộc chiến vô hình về chống suy giảm dân số và dường như nền kinh tế lớn thứ 4 ở châu Á đang bị thất thế trong trận chiến này.

Chú thích ảnh
Tỉ lệ sinh nở tại Hàn Quốc thuộc diện thấp nhất thế giới. Ảnh: Getty Images

Số liệu mới được công bố hồi đầu tháng 12 cho dân số Hàn Quốc giảm 0,18% trong năm 2021, sự sụt giảm lần đầu tiên được ghi nhận kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu về dân cư. Cơ quan chuyên về dữ liệu và dân số quốc gia Hàn Quốc cũng đề cập đến kịch bản tồi tệ nhất, mà theo đó tổng dân số nước này sẽ giảm 12 triệu người vào năm 2120 so với mức 52 triệu dân như hiện nay, tương ứng với mức giảm 23%. Đi cùng đó là xu hướng già hóa dân số, với độ tuổi trung bình từ 43 tuổi năm 2021 lên 62 tuổi năm 2070.

Số liệu cập nhật mới không phải là điều quá bất ngờ. Bởi Hàn Quốc từ lâu đã nhận thức rõ được những thách thức đến từ suy giảm dân số. Già hóa dân số cùng với tỉ lệ sinh suy giảm sẽ gây ra những khó khăn lớn đối với bổ sung lực lượng lao động, trong khi Hàn Quốc phải đối diện với gánh nặng chi tiêu lớn hơn dưới các hình thức thuế doanh thu, chăm sóc y tế.

Trong những năm qua, nhiều đời chính phủ Hàn Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực chống suy giảm dân số, với tổng ngân sách trong giai đoạn 2010-2020 chi cho lĩnh vực này lên đến 188 tỉ USD. Số tiền này chủ yếu được dùng để hỗ trợ tài chính nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con. Nhưng cho đến nay chính sách này vẫn chưa giúp gia tăng tỉ lệ sinh nở tại Hàn Quốc.

Gánh nặng lớn và sức ép căng thẳng với các gia đình

“Đó là vấn đề tồn tại trong thời gian dài và tôi sợ rằng tình hình đã trở nên tồi tệ trong vài năm gần đây, một phần là do tác động của đại dịch COVID-19”, Ohe Hye-gyeong, học giả tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế (ICU) ở Tokyo, nhận định. Bà cũng cho rằng nguyên nhân của thực trạng này nằm ở vấn đề cấu trúc vốn đã hằn sâu dấu ấn trong xã hội Hàn Quốc trong nhiều năm.

Sự phát triển và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc sau thời kỳ xây dựng lại đất nước đã tạo ra cơ hội đối với trẻ em nước này, điều mà các bậc ông bà đa phần đều cho rằng “không thể ngờ được” ở thời kỳ trước đó. Thực tế này càng củng cố vững chắc quan điểm cho rằng giáo dục giữ vai trò quyết định đối với cơ hội nghề nghiệp và hạnh phúc của con trẻ trong tương lai.

Theo chuyên gia Ohe, mọi bậc cha mẹ tại Hàn Quốc đều muốn con cái mình được hưởng “nền giáo dục tinh anh” và đó chính là gánh nặng đối với các gia đình. Nó cũng đồng nghĩa với việc mỗi cặp vợ chồng chỉ đủ sức chăm sóc, nuôi dưỡng một con.

Sức ép sẽ căng thẳng khi các bậc con em rời khỏi các trường đại học, cao đẳng. Đó chính là vấn đề cấu trúc trong thế giới doanh nghiệp và xã hội Hàn Quốc. “Giới trẻ hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được một chỗ làm an toàn, thu nhập tốt. Ngay cả khi có được vị trí ở các công ty hàng đầu, số nhân viên này cũng chỉ làm việc tại đó đến tầm ngoài 50 tuổi. Sau đó, họ sẽ phải bươn trải và gia nhập vào thị trường lao động tự doanh”, Park Saing-in, chuyên gia kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul bày tỏ.

Mối bất an đối với giới trẻ

Những thanh niên trong độ tuổi từ 20-30 tuổi nếu không tìm được một công việc lâu dài, thu nhập tốt sẽ buộc phải tìm kiếm việc làm bán thời gian, không có được sự bảo đảm vững chắc. Điều này sẽ tạo ra cảm giác bất an đối với giới trẻ trong việc hoạch định tương lai, trong đó có việc lập gia đình – ông Park Saing-in nhìn nhận.

Một nhân tố khác khiến tỉ lệ sinh nở tại Hàn Quốc giảm đến từ việc phụ nữ nước này có thiên hướng kéo dài độ tuổi bắt đầu sinh nở. Nhiều người chọn cách theo đuổi sự nghiệp hoặc học cao lên, quên đi thiên chức làm mẹ. Số liệu do chính quyền vùng đô thị Seoul công bố ngày 16/12 cho thấy số lượng các cặp đôi kết hôn trong khu vực đã giảm 43% trong 20 năm qua, từ mức 78.745 đám cưới năm 2000 xuống còn 44.746 đám cưới năm 2020. Độ tuổi trung bình kết hôn lần đầu tiên là 33 tuổi trong năm 2020, tăng so với độ tuổi trung bình là 29 năm 2000.

Tỉ lệ sinh nở tại Hàn Quốc hiện thuộc diện thấp nhất thế giới, với mức trung bình 0,8 trẻ em/bà mẹ. Trong khi các nhà nhân chủng học cho rằng mức sinh 2,1 trẻ em/bà mẹ mới là ngưỡng cần thiết để duy trì dân số, lao động hợp lý. Theo ông Park, rất khó có khả năng chính phủ tương lai tại Hàn Quốc sẽ gia tăng tuổi nghỉ hưu bắt buộc với người lao động vốn được cho là sẽ giúp giảm sức ép đối với hệ thống lương hưu.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo DW)
Chi phí nuôi con tại Trung Quốc tốn kém khiến các cặp đôi dè dặt sinh nở
Chi phí nuôi con tại Trung Quốc tốn kém khiến các cặp đôi dè dặt sinh nở

Chi phí nuôi dạy một đứa con tại các khu vực thành thị ở Trung Quốc rất lớn đang khiến nhiều cặp đôi chần chừ trong việc sinh con.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN