Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, đại diện đặc biệt phụ trách các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên Noh Kyu-duk và người đồng cấp Mỹ Sung Kim đã nhất trí về tầm quan trọng của việc "xử lý ổn định tình hình" trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: "Hai bên đã tiến hành tham vấn mang tính xây dựng về các vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, trong đó có tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Hai bên sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác chặt chẽ để nhanh chóng nối lại tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên".
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi Seoul và Washington tiến hành các cuộc gặp trực tiếp liên tục hồi đầu tháng này, trong đó hai bên thảo luận về tuyên bố được đề xuất nhằm chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên như một cách để tạo động lực cần thiết nối lại đối thoại bị đình trệ với Bình Nhưỡng.
Đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước vào năm 2019. Hai miền Triều Tiên về hình thức vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ khi cuộc xung đột 1950-1953 kết thúc với thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp định hòa bình.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/10, Tướng John Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ sắp mãn nhiệm, nhận định Triều Tiên có thể đạt được năng lực hạt nhân của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) bằng cách rút ra bài học từ những thất bại.
Tướng Hyten đưa ra đánh giá trên trong hội nghị bàn tròn do Defense Writers Group, một hiệp hội các phóng viên quốc phòng và an ninh quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, tổ chức. Theo Tướng Hyten, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khuyến khích đội ngũ các nhà khoa học và kỹ sư chế tạo tên lửa học hỏi từ những thất bại của chính mình. Tướng Hyten khẳng định điều này giúp Triều Tiên đạt được năng lực ICBM.