Ngày 9/10, Nga đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Hàn Quốc nâng tầm bắn tên lửa thông qua một hiệp ước sửa đổi với Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng động thái này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới trên Bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich nêu rõ: "Chúng tôi không đồng tình với lãnh đạo Hàn Quốc về kế hoạch này. Đây là nguy cơ làm trầm trọng thêm tình hình quân sự-chính trị vốn đã căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới".
Moscow kêu gọi các bên liên quan tránh có hành động làm tình hình xấu thêm và thể hiện sự kiềm chế một cách có trách nhiệm. Ông Lukashevich cũng khẳng định cách thức hiệu quả nhất để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên là từ bỏ các biện pháp quân sự và nối lại vòng đàm phán sáu bên.
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo theo hiệp ước sửa đổi với Mỹ, Seoul sẽ nâng tầm bắn của các tên lửa đạn đạo gần gấp 3 lần, lên 800 km, bao phủ toàn bộ Bán đảo Triều Tiên, coi đây là một phần trong nỗ lực nhằm đáp trả tốt hơn các mối đe dọa tên lửa từ Bình Nhưỡng.
Tên lửa đất đối đất Hyun Moo với tầm bắn tối đa 180 km trong buổi duyệt binh kỷ niệm Ngày Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc tại Seoul ngày 1/10/2008. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho rằng quyết định của Hàn Quốc về nâng tầm tắn tên lửa “mang bản chất phòng thủ”. Từ năm 2001, Hàn Quốc và Mỹ đã thường kỳ nâng cấp năng lực tên lửa và hồi tháng Tám vừa qua, Washington đã thông báo kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á để đối phó với “các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.”
Một ngày sau khi Hàn Quốc thông báo quyết định trên, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố nước này đã sở hữu “các tên lửa chiến lược, có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam ”. Tuy nhiên, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ngày 9/10 cho rằng tuyên bố trên của Bình Nhưỡng là "đáng báo động" và sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ông Ban cũng thừa nhận không thể xác nhận độ tin cậy trong tuyên bố trên của Bình Nhưỡng.
Bác bỏ tuyên bố về năng lực tên lửa của Triều Tiên, bà Nuland nói: “Triều Tiên cần hiểu rõ những đe dọa và gây hấn sẽ chẳng đạt được điều gì mà trái lại sẽ hủy hoại chính nỗ lực của họ trong việc trở lại đàm phán với cộng đồng quốc tế".
TTXVN/Tin tức