Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-Wha phát biểu tại Seoul ngày 9/1. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Văn phòng của Ngoại trưởng Kang Kyung-wha cho biết phát biểu trên được người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc đưa ra trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian vào ngày 10/2. Tại cuộc gặp, bà Kang Kyung-wha đã lý giải rằng những nỗ lực nhất quán mà Hàn Quốc đang thực hiện nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Le Drian, đặc phái viên của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Olympic mùa Đông PyeongChang 2018, nhấn mạnh rằng Pháp hoan nghênh việc nối lại đối thoại liên Triều được và hy vọng rằng đà phát triển của cuộc đối thoại này sẽ tiếp diễn sau Olympic. Ông Le Drian cũng lưu ý rằng hai nước cần hợp tác chặt chẽ nhằm giúp Triều Tiên đưa ra quyết định đúng đắn.
Cũng trong cuộc gặp, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên những lĩnh vực khác nhau, cũng như phối hợp chặt chẽ nhằm củng cố quan hệ song phương thông qua các chuyến thăm cấp cao và các cuộc đối thoại chiến lược hàng năm ở cấp ngoại trưởng.
Mối quan hệ liên Triều đã có ấm lại nhanh chóng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị cử đoàn tới tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018. Sự "xích lại gần nhau" này đã lên đến đỉnh điểm khi thế giới chứng kiến các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên sát vai nhau diễu hành trong lễ khai mạc Thế vận hội PyeongChang vào tối 9/2.
Các quan chức Hàn Quốc ngày 11/2 cho biết Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon sẽ chủ trì bữa tiệc chiêu đãi trưa dành cho một đoàn đại biểu cấp cao của Triều Tiên, bao gồm cả Kim Yo-jong - em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội nghị Nhân dân Tối cao Triều Tiên Kim Yong-nam.
Tiệc chiêu đãi trưa này được tổ chức một ngày sau khi đoàn đại biểu nói trên của Triều Tiên có cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và chuyển lời mời tới thăm Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới ông Moon Jae-in.
Trong diễn biến khác, phái bộ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) cùng ngày tuyên bố Bình Nhưỡng không thể đóng góp cho ngân sách của tổ chức đa phương này trong năm 2018 do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với ngân hàng ngoại thương của nước này.
Theo tuyên bố của phái bộ Triều Tiên, các nước thành viên LHQ được yêu cầu trả các khoản đóng góp cho ngân sách gìn giữ hòa bình và thường kỳ của tổ chức này cũng như ngân sách dành cho các tòa án quốc tế. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ và LHQ nhằm vào Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên đang ngăn cản nước này "tôn trọng cam kết của mình với tư cách là một nước thành viên của LHQ bằng cách gây trở ngại đối với các hoạt động thậm chí là bình thường như việc nộp ngân sách của LHQ".
Do đó, trong cuộc gặp Phó Tổng thư ký LHQ Jan Beagle hôm 9/2, Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ja Song Nam đã yêu cầu tổ chức đa phương này giúp đỡ đảm bảo cho một kênh giao dịch ngân hàng để Bình Nhưỡng có thể đóng gần 184.000 USD mà họ cho là nợ ngân sách LHQ trong năm 2018.
Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên hồi năm 2013, trong khi HĐBA LHQ cũng liệt thể chế tài chính này vào danh sách đen hồi tháng 8 năm ngoái. Kể từ năm 2006, HĐBA LHQ đã tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm ngăn chặn các nguồn tài trợ cho chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hôm 7/2, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Washington sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.