Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp báo, người phát
ngôn Park Soo-hyun của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hoan nghênh việc
nhà lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ sẵn sàng cử phái đoàn và đề nghị đàm phán
khi nhận thức được sự cần thiết phải cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Quan chức này khẳng định việc tổ chức thành công giải thi đấu này sẽ góp phần cho sự ổn định không chỉ trên bán đảo Triều Tiên mà còn cả ở khu vực Đông Á, cũng như toàn thế giới.
Phản ứng trước thông điệp của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đảng Dân chủ cầm quyền cho rằng việc nhà lãnh đạo Triều Tiên chúc kỳ Thế vận hội sắp được tổ chức tại Hàn Quốc thành công, cũng như đề nghị đàm phán với Seoul về các biện pháp cần thiết kể cả cử đoàn tới tham dự, là dấu hiệu tích cực.
Theo người phát ngôn Kim Hyun của đảng này, Chính phủ Hàn Quốc cần hành động theo cách để hai bên có thể thảo luận phải làm những gì nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, trong khi Triều Tiên cần phải chứng tỏ sự chân thành bằng cách ngừng mọi hành động làm gia tăng căng thẳng.
Đảng Nhân dân thuộc phe đối lập cũng ủng hộ lập trường trên, bày tỏ mong muốn việc này sẽ là bước ngoặt trong mối quan hệ liên Triều, nhưng đồng thời cũng chỉ trích nhà lãnh đạo Triều Tiên tiếp tục đưa ra những lời đe dọa hạt nhân và cho rằng việc này là “không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào”.
Trong khi đó, các đảng theo đường lối bảo thủ lại gọi thông điệp trên của Triều Tiên là mang tính nước đôi khi vừa nói về hòa bình vừa đề cập đến việc xây dựng lực lượng hạt nhân.
Về phần mình, Nghị sỹ Yoo Ui-dong của đảng Bareuncho bày tỏ hoài nghi về đề nghị đàm phán của nhà lãnh đạo Triều Tiên, cho đây là một cách để phía Triều Tiên “câu giờ” do nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhấn mạnh sự vượt trội trong việc phát triển hạt nhân trong đề nghị trên.
Trong thông điệp năm mới được phát trên truyền hình trước đó cùng ngày, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố có thể cử đoàn tới tham gia kỳ thế vận hội lần này và để ngỏ khả năng đàm phán với Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Kim Yong-un cũng khẳng định Triều Tiên sẽ không từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, nêu rõ "nút bấm hạt nhân" luôn nằm trên bàn làm việc của ông.
Liên quan đến thông điệp này, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) trực thuộc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS) của Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng có thể đòi Seoul dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, nối lại các dự án kinh tế liên Triều và cung cấp viện trợ để đổi lấy việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018.
Theo báo cáo này, phía Triều Tiên có thể quyết định tham gia sự kiện thể thao toàn cầu trên nhưng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng sau khi cân nhắc thái độ của Hàn Quốc. Báo cáo cũng nhận định rằng trong các cuộc đàm phán sắp tới, phía Triều Tiên có thể sẽ yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận quân sự chung, cũng như Washington phải ngừng triển khai thường xuyên các loại vũ khí chiến lược đến Bán đảo Triều Tiên.
Báo cáo nhận định Bình Nhưỡng có thể sẽ kiềm chế các hành động gây căng thẳng, ít nhất là cho đến khi khai mạc Thế vận hội, nhưng không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ nối lại các hành động này nếu Hàn Quốc và Mỹ vẫn tiến hành các cuộc tập trận sau sự kiện thể thao nói trên, đồng thời cho rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tập trung vào việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân và tên lửa thay vì tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, theo bản báo cáo, vẫn tồn tại khả năng Triều Tiên tìm cách phóng vệ tinh lên quỹ đạo.