Hàn Quốc: Rủi ro kinh tế tăng mạnh từ hậu quả của sự kiện thiết quân luật

Xuất phát từ quan điểm tăng cường bảo hộ của Mỹ sẽ được tăng cường dưới thời kỳ của chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và động lực tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nên có dự báo bi quan rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm 2025 sẽ chỉ ở mức trung bình 1%.

Chú thích ảnh
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh nhu cầu trong nước sụt giảm kéo dài do lạm phát cao và lãi suất cao, cũng có những cảnh báo nghiêm trọng hơn rằng tốc độ tăng trưởng thực tế có thể giảm hơn nữa nếu rủi ro chính trị phát sinh từ sự kiện thiết quân luật có thể dẫn đến sụt giảm đầu tư doanh nghiệp và tiêu dùng.

Theo Trung tâm Tài chính Quốc tế ngày 5/12, dự báo về tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2025 do 8 ngân hàng toàn cầu (Citi, Goldman Sachs, Bank of America Merrill Lynch, UBS, Nomura, JP Morgan, Barkleys, HSBC) đưa ra là 1,8%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo đưa ra thời điểm một tháng trước.

Trong báo cáo công bố gần đây, Citi bank hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm 2025 từ 1,8% xuống 1,6% viện dẫn nguyên do tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2024 và việc tăng thuế của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump trong năm 2025. Goldman Sachs và Bank of America Merrill Lynch đều hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ 2,2% xuống 1,8%. UBS hạ dự báo từ 2,1% xuống 1,9%, Nomura giảm từ 1,9% xuống 1,7%; JP Morgan giảm dự báo tăng trưởng từ 1,8%  xuống 1,7%; Barclays giữ nguyên mức dự báo 1,8% và HSBC cũng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc là 1,9% như trước đó.

Trước đó, các tổ chức tài chính trong nước cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng năm 2025 từ 2,1% xuống 1,9% trong dự báo triển vọng kinh tế đưa ra tháng 11/2024. Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cho năm 2025 của Hàn Quốc từ 2,1% xuống 2,0%.

Xuất khẩu, vốn là chỗ dựa của nền kinh tế Hàn Quốc, đang có dấu hiệu suy giảm mạnh trong quý III/2024 với mức giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu hóa chất và ô tô đang giảm mạnh, xuất khẩu chất bán dẫn cũng giảm do cạnh tranh của Trung Quốc nhắm vào chất bán dẫn giá rẻ.

Cùng với việc Tổng thống đắc cử Mỹ Trump quay trở lại nắm quyền, với những tác động bất ổn từ sự kiện áp đặt thiết quân luật trong nước đêm 3/12, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế thực tế của Hàn Quốc có thể trượt xa hơn nếu rủi ro chính trị kéo dài. Trong quá khứ, tâm lý người tiêu dùng Hàn Quốc đã giảm mạnh trong giai đoạn xảy ra vụ việc liên quan tới cựu Tổng thống Park Geun-hye từ tháng 11/2016 đến tháng 3/2017. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng (CCSI) liên tục giảm xuống dưới mức cơ sở 100 (dưới 100 nghĩa là mức bi quan).

Nhà nghiên cứu tại Viện Thị trường vốn Hàn Quốc Lee Hyo-seop, cho biết chính phủ đóng vai trò lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nếu các vấn đề chính trị được đẩy cao, nhiều khả năng việc triển khai ngân sách sẽ không được thực hiện hợp lý, hiệu quả. Tình hình bất ổn chính trị sẽ khiến các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài không yên tâm đầu tư.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Hanyang, Ha Jun-kyung, cho biết đang có nhiều lo ngại về việc đồng won tiếp tục mất giá khiến giá cả tăng cao và tiêu dùng nội địa sụt giảm. Chuyên gia Ha giải thích khi các vấn đề chính trị nảy sinh, xu hướng chung là người dân sẽ tiết kiệm tiêu dùng, tìm kiếm tài sản an toàn. Tỷ giá hối đoái tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Trước mắt, vào thời điểm cuối năm, do các bất ổn chính trị, tâm lý người tiêu dùng sẽ tiếp tục suy giảm. Sự sụt giảm lượng khách du lịch nước ngoài đến Hàn Quốc do bất ổn chính trị chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.

Giám đốc Viện nghiên cứu tài chính Huyndai Joo Won cho biết nhìn lại vụ việc tương tự trong quá khứ có thể thấy những tác động phụ đáng kể đến nền kinh tế như tâm lý người tiêu dùng suy giảm. Lần này, có thể có những vấn đề nảy sinh trong đàm phán thương mại. Hiện tại, có rất nhiều lo ngại về nhu cầu trong nước suy thoái do yếu tố 3 cao gồm: lãi suất cao, tỷ giá hối đoái cao và giá cả tăng cao.

Khánh Vân (Pv TTXVN tại Seoul)
Đảng cầm quyền Hàn Quốc lo ngại Tổng thống sẽ tiếp tục hành động sai lầm
Đảng cầm quyền Hàn Quốc lo ngại Tổng thống sẽ tiếp tục hành động sai lầm

Ngày 5/12, Lãnh đạo đảng cầm quyền cho biết Tổng thống Yoon Suk Yeol cần phải nhanh chóng bị đình chỉ quyền lực để hạn chế những hành động cực đoan tiếp theo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN