Theo kế hoạch, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và Liên minh nghị sĩ Hàn Quốc - Nhật Bản sẽ đồng tổ chức phiên điều trần tại Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 12/1 tới. Đại diện pháp lý của các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến của Hàn Quốc và một nhóm công dân ủng hộ các nạn nhân cho biết họ sẽ tham dự phiên điều trần.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các nạn nhân của lao động cưỡng bức thời chiến phản đối mạnh mẽ một dự thảo nghị quyết về vấn đề này. Các nạn nhân cho biết họ đã được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo về “cái được coi là một nghị quyết”, trong đó sẽ bồi thường cho họ bằng các khoản tiền quyên góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc mà không có sự tham gia và lời xin lỗi chính thức của các tập đoàn Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries hay Nippon Steel.
Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết phiên điều trần là một phần của quá trình thu thập các ý kiến về vấn đề lao động thời chiến chứ không phải là dịp để chính phủ đưa ra nghị quyết cuối cùng.
Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Tokyo và Seoul có nhiều khúc mắc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và các vấn đề lịch sử, trong đó có việc nhiều công dân Hàn Quốc bị các công ty Nhật Bản cưỡng ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Các nạn nhân lao động thời chiến của Hàn Quốc lâu nay yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Chính phủ Nhật Bản và đề nghị các công ty Nhật Bản bị cáo buộc phải đóng góp vào khoản quyên góp trên. Năm 2018, các nạn nhân đã giành chiến thắng trước các công ty Nhật Bản trong một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa án Tối cao Hàn Quốc, yêu cầu những công ty này phải bồi thường. Tháng 11/2022, trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã nhất trí tìm cách nhanh chóng giải quyết vấn đề này.