Người phát ngôn Bộ trên Cho Jung-hyuck khẳng định mặc dù có nhiều ý kiến được đưa ra trong bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đang tăng, song Chính phủ Hàn Quốc vẫn duy trì chính sách phi hạt nhân hóa.
Trước đây, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đã bố trí nhiều loại vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc để răn đe khả năng Triều Tiên tấn công, nhưng họ đã cho rút đi vào năm 1991 sau khi hai miền Triều Tiên nhất trí về một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, những bước tiến trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua 5 vụ thử đã dẫn đến ý kiến cho rằng cần phải đưa các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trở lại Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được chuyển đến căn cứ không quân Osan ở Seoul ngày 6/3. Ảnh:EPA/TTXVN |
Cùng ngày, liên quan việc Mỹ bắt đầu tiến trình triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, các chính đảng của Hàn Quốc đã bày tỏ ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Các đảng đối lập nhận định động thái của chính phủ là “đơn phương, vội vã” và cho rằng điều này có thể có động cơ chính trị, được thực hiện trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Đảng Dân chủ nhận định chính phủ vội vã cho triển khai THAAD có thể để tạo ra bầu không khí có lợi hơn cho Tổng thống bị luận tội Park Geun-hye và đảng cầm quyền. Người phát ngôn Youn Kwan-suk (Y-un Can Xúc) của đảng Dân chủ khẳng định đảng này không thay đổi lập trường rằng việc triển khai THAAD cần phải được Quốc hội chấp thuận.
Trong khi đó, đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền và đảng Bareun tách ra từ đảng này đã hoan nghênh việc triển khai THAAD, trong bối cảnh Triều Tiên đang đe dọa an ninh của Hàn Quốc, với việc bắn 4 quả tên lửa đạn đạo ngày 6/3 vừa qua.