Phát biểu ngày 8/3 tại một cuộc họp chung với lãnh đạo các học viện quân sự lớn tại Hàn Quốc, quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn nhấn mạnh sự cần thiết phải bố trí THAAD nhằm đối phó với các hành động khiêu khích hạt nhân trong tương lai của Triều Tiên. Ông nhấn mạnh: "Quân đội Hàn Quốc cần được trang bị các năng lực răn đe mạnh mẽ và sẵn sàng, dựa trên các năng lực phòng thủ phối hợp Mỹ - Hàn". Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng nhắc lại cam kết sẽ buộc Triều Tiên phải từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua siết chặt trừng phạt và tăng cường sức ép ngoại giao.
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn chủ trì cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia ở Seoul ngày 6/3. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn đưa ra tuyên bố trên hai ngày sau khi hai bệ phóng di động của hệ thống THAAD cùng một số thiết bị khác đã được vận chuyển đến căn cứ Không quân Osan tại Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70 km về phía Nam. Việc chuyển giao sớm hơn dự kiến này đã khiến Bắc Kinh tức giận.
Theo thông tin mới nhất, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc giấu tên ngày 8/3 cho biết hệ thống radar "X-band" của THAAD sẽ được chuyển đến Hàn Quốc trong tháng 3 này để thực hiện một cuộc thử nghiệm tác chiến và sẽ được lắp đặt trong thời gian sớm nhất. Các thiết bị còn lại sẽ được chuyển tới trong những tháng tới và sẽ được đưa từ căn cứ không quân của Mỹ xuống khu vực huyện Seongju ở Đông Nam Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 300km, nơi sẽ bố trí THAAD. Một quan chức khác cho biết kế hoạch triển khai THAAD sẽ hoàn tất trong một hoặc hai tháng tới và có thể đưa vào vận hành sớm nhất từ tháng 4/2017. Nhân sự để vận hành các thiết bị của THAAD tại Seongju sẽ đến từ các đơn vị THAAD của Mỹ tại Guam và Fort Bliss, bang Texas, Mỹ.
Theo thiết kế, THAAD có thể bắn chặn các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung, như Scud hoặc Rodong, với tầm bắn lên tới 3.000 km ở độ cao 40-150 km. THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar X-band và hệ thống kiểm soát. Dù Mỹ và Hàn Quốc khẳng định THAAD là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa Triều Tiên, Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vì cho rằng hệ thống này sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích an ninh quốc gia của mình và áp đặt một loạt các biện pháp trả đũa Hàn Quốc kể từ khi thỏa thuận triển khai THAAD được ký kết. Giới chuyên gia nhận định tăng trưởng kinh tế hàng năm của Hàn Quốc có thể sụt giảm 0,5% nếu Trung Quốc tiếp tục các biện pháp tấn công kinh tế.
Credit Suisse nhận định nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á có thể phải hứng chịu thiệt hại lên tới 7,3 tỷ USD - tương đương với mức giảm 0,53% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm - nếu mất 1/2 lượng du khách đến từ Trung Quốc trong năm nay. Một báo cáo khác của công ty đầu tư chứng khoán NH Investment & Securities Co., có trụ sở tại Seoul, dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc có thể giảm 0,25% trong năm nay nếu xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Trung Quốc giảm 20% và số du khách Trung Quốc giảm 20% so với năm 2016. Một báo cáo khác của một tổ chức tư vấn địa phương thậm chí đưa ra kịch bản tồi tệ hơn đối với nền kinh tế nước này. Viện nghiên cứu kinh tế IBK cho biết thiệt hại do tác động của việc triển khai THAAD có thể lên tới 17.000 tỷ Won (14,7 tỷ USD), tỷ lệ tăng trưởng có thể giảm 1,07%.