Hàn Quốc: Tăng cường kỹ năng sơ cứu người bị nạn cho thanh thiếu niên

Thảm kịch giẫm đạp tại khu phố Itaewon ở Seoul, Hàn Quốc, mới đây đã cho thấy tầm quan trọng của việc Hồi sinh tim phổi (CPR) và kỹ năng sơ cứu người bị nạn trong giới trẻ.

Chú thích ảnh
Nhân viên cứu hộ chuyển nạn nhân tại hiện trường vụ giẫm đạp ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 30/10/2022. Ảnh: THX/TTXVN

CPR là thủ tục cấp cứu khẩn cấp liên quan đến ép ngực và thở cấp cứu, được thực hiện khi tim của một người ngừng đập. Thực hiện CPR ngay lập tức có thể tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân sau khi ngừng tim.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông báo ngày 3/11 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết cơ quan này sẽ mở rộng giáo dục CPR cho thanh thiếu niên và công nhân tại các trung tâm thanh thiếu niên trên toàn quốc. Theo đó, trong 3 ngày qua, Bộ này đã phân phát tài liệu giáo dục về hô hấp nhân tạo cho các trung tâm thanh thiếu niên, đồng thời đưa ra khóa đào tạo bắt buộc đối với những người muốn có việc làm tại các cơ sở này.

Trước đó, ngày 1/11, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo sẽ tăng cường đào tạo về hô hấp nhân tạo tại các trường học trên toàn quốc. Theo chương trình giáo dục hiện hành, học sinh ở các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được đào tạo về hô hấp nhân tạo và các kỹ năng sơ cứu khác chỉ kéo dài trong 2 giờ mỗi năm. Bên cạnh đó, do thiếu nguồn lực (như bộ dụng cụ hô hấp nhân tạo) nên không phải trường nào cũng có thể đào tạo thực hành kỹ năng này cho học sinh. Bộ này cho biết sẽ mở rộng hợp tác với các cơ quan liên quan để cung cấp giáo dục cần thiết, đồng thời sửa đổi các chương trình giáo dục an toàn để bao gồm các biện pháp an toàn ở những nơi đông người.

Trong khi đó, các bác sĩ sở tại chỉ ra rằng các luật liên quan cũng cần được sửa đổi để khuyến khích công chúng tích cực thực hiện hô hấp nhân tạo trong các tình huống khẩn cấp, bởi mọi người có thể do dự vì sợ rằng họ có thể phải đối mặt với các trách nhiệm pháp lý trong trường hợp có bất kỳ kết quả tiêu cực nào. Theo luật y tế Hàn Quốc hiện hành, nếu một người bình thường hoặc một nhân viên y tế thực hiện hô hấp nhân tạo và gây tổn hại về thể chất cho bệnh nhân thì người đó được miễn trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân tử vong thì người thực hiện hô hấp nhân tạo có thể phải đối mặt với hình phạt hình sự nhưng được “giảm nhẹ”.

Đầu tháng 6 vừa qua, nghị sĩ Shin Hyun-young của đảng Dân chủ Hàn Quốc (DP), đồng thời là một bác sĩ đã đưa ra đề xuất sửa đổi luật y tế với tên gọi “Good Samaritan Law” nhằm khuyến khích người dân hỗ trợ những người gặp nguy hiểm bằng cách hạn chế trách nhiệm đối với những người giúp đỡ. Bà Shin đề xuất dự luật này sau khi tham gia cứu một người đàn ông bị ngừng tim bằng hô hấp nhân tạo trên chuyến tàu KTX vào tháng 5. Dự luật được đề xuất sẽ không bắt buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về sự sơ suất khi cung cấp sự hỗ trợ như vậy.

Tính đến 11h ngày 3/11 (giờ địa phương), số thương vong trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon (quận Yongsan, Seoul) là 156 người thiệt mạng và 187 người bị thương, trong đó có 33 người bị thương nặng.

Anh Nguyên (TTXVN)
Hàn Quốc lập trung tâm hỗ trợ gia đình các nạn nhân vụ giẫm đạp ở Seoul
Hàn Quốc lập trung tâm hỗ trợ gia đình các nạn nhân vụ giẫm đạp ở Seoul

Ngày 3/11, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chỉ thị thành lập một trung tâm hỗ trợ "một cửa" để giúp gia đình các nạn nhân và những người bị ảnh hưởng khác trong thảm họa giẫm đạp ở Itaewon có thể tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về y tế cũng như các vấn đề khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN