Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết lực lượng đặc trách sẽ giám sát giá bán lẻ các mặt hàng cốt yếu, đưa ra các biện pháp cải cách cơ cấu hậu cần và đảm bảo giá cả ổn định. Theo đó, lực lượng sẽ tăng cường quản lý giá có ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của người dân cho đến khi đạt được mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Để đạt mục tiêu trên, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch giảm thuế đối với một số mặt hàng rau quả nhập khẩu và tăng cường nguồn cung từ kho dự trữ nông sản quốc gia. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã yêu cầu các công ty phân phối tham gia phối hợp nỗ lực nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế giá cả sinh hoạt, ổn định sinh kế cho người dân.
Hiện Hàn Quốc đang đối mặt áp lực từ lạm phát cao, chủ yếu do giá trái cây và các sản phẩm nông nghiệp khác, cũng như năng lượng tiếp tục neo ở mức cao. Cùng với đó, môi trường quốc tế diễn biến không thuận lợi khiến giá xăng dầu tiếp tục biến động.
Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 4, giá tiêu dùng - thước đo chính của lạm phát, đứng ở mức 113,99 điểm (so với mức chuẩn 100 điểm năm 2020), tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 2,8% trong tháng 1 và 3,1% trong tháng 2 và tháng 3, lần này giảm xuống ngưỡng 2%. Trong đó, giá nông sản, chăn nuôi, thủy sản tăng tới 10,6% so với một năm trước. Giá sản phẩm chăn nuôi tăng 0,3%, thủy sản tăng 0,4%, trong khi giá nông sản tăng tới 20,3%. Giá thực phẩm chế biến tăng 1,6%, giá dầu mỏ tăng 1,3%, giá điện-gas-nước tăng 4,9%.