Hàn Quốc thêm 16.096 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua

Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận hằng ngày tại nước này đã đánh dấu một kỷ lục mới ngày 28/1, trong bối cảnh Hàn Quốc đang nỗ lực ngăn chặn đà lây lan nhanh của biến thể Omicron bằng một hệ thống ứng phó toàn quốc mới.

Chú thích ảnh
Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 taị Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/1/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cụ thể, trong 24 giờ qua, Hàn Quốc có 16.096 ca nhiễm mới, trong đó 15.894 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 793.582 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao chưa từng thấy, kể từ 8.570 ca ghi nhận ngày 25/1 và nhiều gấp hơn 4 lần con số 3.800 ca ghi nhận ngày 17/1. Cơ quan y tế cộng đồng dự báo số ca nhiễm mới có thể tăng tới 100.000 ca/ngày trong vòng vài tuần tới.

Số ca tử vong tăng 24 ca lên tổng số 6.678ca. Tỷ lệ tử vong là 0,84%. Số bệnh nhân đang điều trị tích cực là 316 ca, giảm 34 ca so với ngày 27/1.

Hàn Quốc dự kiến từ ngày 29/1 triển khai hệ thống ứng phó cập nhật nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra. Khoảng 250 điểm xét nghiệm đã được lập tại các trung tâm y tế cộng đồng; các bệnh viện lớn sẽ thực hiện cả xét nghiệm nhanh kháng nguyên và xét nghiệm PCR. Mọi người có thể tùy chọn loại xét nghiệm. Người trên 60 tuổi hoặc các nhóm có nguy cơ cao như người có bệnh nền sẽ được ưu tiên xét nghiệm PCR. Bắt đầu từ ngày 3/2, các bệnh viện địa phương cũng sẽ tham gia thực hiện xét nghiệm nhanh. 

KCDA cho biết cơ chế cập nhật trên nhằm giảm thiểu số ca nguy kịch và tử vong, đồng thời tránh nguy cơ hệ thống y tế quá tải. Hệ thống ứng phó mới sẽ được mở rộng ra toàn quốc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài đến ngày 2/2.

Tại Slovenia, Phòng thí nghiệm quốc gia về y tế, môi trường và thực phẩm (NLHEF) ngày 27/1 xác nhận ca đầu tiên ở nước này nhiễm dòng BA.2 của biến thể Omicron mà các nhà khoa học gọi là "Omicron tàng hình" do khó phát hiện trong các xét nghiệm PCR.

Phát biểu tại họp báo, người đứng đầu NLHEF, bà Tjasa Zohar Cretnik cho biết ca bệnh trên được ghi nhận ở vùng Podravje (Đông Bắc Slovenia). Bà cho biết thêm từ đầu năm 2022 NLHEF đã tăng 50% xét nghiệm PCR mỗi tuần. Số ca nhiễm Omicron chiếm 90%.

Bà Cretnik nhấn mạnh: "Biến thể Omicron đang gây ra trận sóng thần lây nhiễm...Làn sóng lây nhiễm thứ 5 tại Slovenia chắc chắn là tồi tệ nhất đối với các phòng thí nghiệm từ trước đến nay".

Do công việc xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm quá nhiều, Slovenia đã bắt đầu gửi một phần mẫu phẩm sang một phòng thí nghiệm ở Đức từ tuần trước.

Cùng ngày 27/1, Chính phủ Slovenia cho biết sẽ kéo dài chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty đến cuối tháng 2 để mua bộ xét nghiệm cho nhân viên.

Slovenia là nước bị ảnh hưởng khá nặng của dịch COVID-19, nhưng chỉ 57,2% trong số 2,1 triệu người dân nước này đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản.

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 27/1 ghi nhận 82.180 ca nhiễm mới, mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 11.250.107 ca. Số ca tử vong tăng 174 ca, lên tổng cộng 86.661 ca.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 từ ngày 14/1/2021, đến nay hơn 57, triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên, trong khi hơn 52,33 triệu người đã tiêm mũi hai.

Chile ngày 27/1 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục, với 24.037 ca trong vòng 24 giờ. Theo Bộ Y tế nước này, số ca nhiễm mới đã tăng 299% trong 2 tuần qua. Bộ trên cũng ghi nhận 47 ca tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm ở nước này đến nay là 2.045.874 ca, trong đó có 39.594 ca tử vong.

Bộ trên cảnh báo biến thể Omicron là biến thể lây lan nhanh nhất hiện nay, làm gia tăng mạnh số ca nhiễm khi bước vào mùa du lịch Hè ở Nam Bán cầu. Chỉ trong một tuần, Omicron đã khiến số ca nhiễm mới vượt qua mức đỉnh dịch 10.000 ca/ngày hồi mùa Đông năm 2021. Tuy nhiên, Bộ Y tế Chile cũng nêu rõ làn sóng mới của dịch bệnh không làm gia tăng số ca phải điều trị tích cực. Các chuyên gia dự báo số ca nhiễm mới tại nước này có thể tăng lên mức 40.000 ca/ngày trong vài tuần tới, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm chủng đầy đủ.

Bích Liên (TTXVN)
Chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ em Israel bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19
Chỉ một tỷ lệ nhỏ trẻ em Israel bị viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv dẫn số liệu của Bộ Y tế Israel công bố ngày 27/1 cho biết, trong tổng số hàng trăm nghìn trẻ em trong độ tuổi 12-15 đã được tiêm phòng vaccine COVID-19 tại nước này chỉ có 15 em bị chứng viêm cơ tim sau tiêm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN