Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 1/6, Cơ quan Phát triển Vũ khí Phòng thủ (ADD) của Hàn Quốc đã công bố với báo giới toàn bộ quá trình thử nghiệm L-SAM tại bãi thử Anheung ở Taean, cách Seoul 109 km về phía Tây Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup cùng các quan chức chính phủ và giới nghiên cứu đã theo dõi sát cuộc thử nghiệm. Ông nhấn mạnh khả năng của L-SAM mở rộng việc đánh chặn tên lửa đến tầng cao của giai đoạn cuối (trong hành trình bay của tên lửa) sẽ không chỉ cải thiện khả năng đối phó với tên lửa mà còn góp phần lớn vào việc tăng cường khả năng của liên minh Hàn Quốc - Mỹ trong phòng thủ tên lửa.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết có kế hoạch hoàn tất quá trình phát triển L-SAM vào năm tới, bắt đầu giai đoạn sản xuất hàng loạt vào năm 2025 và triển khai hệ thống đánh chặn này sau đó vài năm.
L-SAM được thiết kế nhằm bắn hạ tên lửa đạn đạo ở độ cao 50-60 km, tương tự như Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc. Kể từ tháng 11/2022 đến nay, ADD đã tiến hành 4 cuộc thử nghiệm L-SAM, 3 cuộc đã thành công.
Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cho biết nước này sẽ sớm khắc phục hệ thống thông báo khẩn cấp sau khi hệ thống đưa ra cảnh báo sai trong tuần này.
Theo hãng tin Yonhap, sáng 31/5, người dân Seoul đã nghe thấy còi báo động không kích và nhận được cảnh báo qua điện thoại di động khuyến cáo họ nên chuẩn bị sơ tán sau khi Triều Tiên phóng vật thể mà nước này tuyên bố là “phương tiện phóng không gian". Cảnh báo khiến nhiều người hoang mang do không rõ lý do sơ tán. Sau đó, Bộ Nội vụ Hàn Quốc gửi một cảnh báo tiếp theo nói rằng thông báo trước đó đã bị gửi nhầm.
Một quan chức cấp cao của chính phủ cho biết Văn phòng Điều phối Chính sách của chính phủ sẽ yêu cầu Bộ Nội vụ và chính quyền Seoul giải trình vấn đề trên trong ngày 1/6, sau đó sẽ thảo luận về các biện pháp cải thiện. Giới chức nhấn mạnh hệ thống cảnh báo sẽ cần được cập nhật để cung cấp thông tin chính xác giúp người dân có thể phản ứng tốt đối với các sự việc tương tự trong tương lai.