Động thái này của Chính phủ Hàn Quốc phù hợp với tinh thần của thỏa thuận mà hai miền Triều Tiên đã đạt được tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 tại Panmunjom, theo đó chấm dứt "mọi hành động thù địch" lẫn nhau và tìm cách làm giảm căng thẳng cũng như "loại bỏ thực chất nguy cơ chiến tranh".
Một nguồn tin Chính phủ Hàn Quốc giấu tên nêu rõ: "Sẽ là mâu thuẫn nếu chúng tôi tiếp tục thương lượng (với Triều Tiên) về các biện pháp nhằm chấm dứt các hành động thù địch, vấn đề đã được đề cập trong Tuyên bố Panmunjom, song vẫn coi quân đội Triều Tiên là kẻ địch trong văn kiện của Chính phủ".
Ông này khẳng định Chính phủ Hàn Quốc vẫn đang đi theo hướng tìm một cụm từ hoặc một từ phù hợp để mô tả về quân đội của Triều Tiên, thay cho cách thể hiện "kẻ địch".
Sắch Trắng năm 2016 của Hàn Quốc có đoạn viết: "Vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, như vũ khí hạt nhân và tên lửa, các vụ tấn công mạng và mối đe dọa khủng bố đều tạo ra mối đe dọa lớn đối với an ninh của chúng ta....Chừng nào những mối đe dọa này còn tiếp tục, chế độ Triều Tiên và quân đội của nước này vẫn là kẻ địch của chúng ta".
Một số nhà quan sát nhận định Seoul đang xem trọng việc xóa bỏ dần những quan hệ đối kháng trong bối cảnh các mối đe dọa từ Triều Tiên đang có dấu hiệu giảm sút như việc Bình Nhưỡng phá hủy cơ sở thử hạt nhân và tên lửa, cũng như tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm thúc đẩy kinh tế nội địa.
Quân đội Hàn Quốc lần đầu đề cập quân đội Triều Tiên là "kẻ địch chính" trong Sách Trắng Quốc phòng năm 1995, sau khi một quan chức Bình Nhưỡng de dọa biến Seoul thành "biển lửa".
Trong Sách Trắng năm 2004 của Hàn Quốc, cụm từ trên đã được thay thế bằng "mối đe dọa quân sự trực tiếp" trong không khí hòa giải giữa hai miền. Tuy nhiên, Seoul sau đó sử dụng lại cụm từ "kẻ địch" trong Sách Trắng năm 2010 khi Bình Nhưỡng phóng ngư lôi tấn công tàu hộ tống Cheonan của Hàn Quốc vào tháng 3/2010, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng và tiến hành một cuộc tấn công đạn pháo tại khu vực đảo biên giới Yeonpyong.