Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thỏa thuận trên bao gồm các phương án phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ Hàn Quốc, người lao động và giới chủ doanh nghiệp nhằm chống đỡ tình trạng đình trệ kinh tế do tác động của dịch COVID 19. Trong đó, ba bên nhất trí sẽ thay đổi giờ làm việc để rút ngắn thời gian ở công xưởng và duy trì việc tuyển dụng người lao động trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Để làm được điều này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ nâng khoản hỗ trợ duy trì tuyển dụng cho các doanh nghiệp, đồng thời nới lỏng tiêu chuẩn xét trợ cấp. Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số doanh nghiệp ở Hàn Quốc đề nghị hỗ trợ duy trì tuyển dụng đang tăng mạnh. Từ ngày 29/1 năm nay đến 5/3 vừa qua, Bộ Tuyển dụng và Lao động nước này đã tiếp nhận 6.611 hồ sơ từ các doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ.
Cũng theo thỏa thuận trên, giới chủ doanh nghiệp sẽ cho phép các lao động phải cách ly tại nhà được nghỉ việc, người lao động hạn chế biểu tình quy mô lớn trong thời gian tới và thời gian đàm phán tiền lương giữa lao động và chủ sử dụng lao động sẽ được điều chỉnh linh hoạt. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ khuyến khích nhân viên làm việc tại nhà và để người lao động có thể nghỉ phép chăm sóc con nhỏ trong thời gian các trường học lùi ngày khai giảng tới cuối tháng 3.
Cũng trong ngày 6/3, Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà sản xuất lớp màng lọc nhằm phục vụ sản xuất khẩu trang y tế trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nước này.
Dịch COVID-19 đã dẫn tới tình trạng khan hiếm nghiêm trọng khẩu trang y tế, do đó Chính phủ Hàn Quốc quy định mỗi người chỉ được mua 2 khẩu trang mỗi tuần tại các hiệu thuốc vào các ngày được quy định phụ thuộc ở độ tuổi của họ.
* Trong diễn biến cùng ngày, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại nước này Koji Tomita tới để trao công hàm phản đối quyết định của Tokyo áp đặt lệnh hạn chế nhập cảnh mới đối với công dân Hàn Quốc do lo ngại lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Ngoại trưởng Kang gặp Đại sứ Tomita chỉ vài giờ sau khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc bày tỏ "hết sức lấy làm tiếc" về kế hoạch của Nhật Bản, theo đó yêu cầu cách ly 2 tuần đối với du khách đến từ Hàn Quốc cũng như Trung Quốc.
Trước đó, Nhật Bản thông báo, kể từ ngày 2/3 đến cuối tháng này, du khách đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ phải lưu lại tại các cơ sở cách ly trong vòng 2 tuần và hạn chế sử dụng các phương tiện công cộng. Tokyo cũng có kế hoạch ngừng cơ chế miễn thị thực nhập cảnh 90 ngày đối với người Hàn Quốc.
* Cũng trong ngày 6/3, Cơ quan Quản lý và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã tiến hành kiểm tra hành chính trụ sở giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Gwacheon, tỉnh Gyeonggi, thu thập và phân tích danh sách tín đồ, học viên, ghi chép về những người tham gia buổi lễ cầu nguyện trong nhà thờ.
Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Kim Gang-rip cho biết quá trình kiểm tra hành chính giáo phái Tân Thiên Địa đã được tiến hành trong ngày 5/3, kéo dài khoảng 6 giờ.
Hiện tại, KCDC đang phân tích các tài liệu thu thập được, với sự tham gia của nhóm điều tra dịch tễ và Viện Công tố Tối cao. KCDC sẽ nỗ lực phân tích trong thời gian sớm nhất để có biện pháp cần thiết và sẽ xem xét yêu cầu giáo phái này bồi thường thiệt hại cho chính phủ.
Theo luật pháp Hàn Quốc, chính phủ nước này có thể yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức bồi thường thiệt hại nếu có hành vi gây tổn thất lớn cho quốc gia. Ngày 17/1 vừa qua, Tòa án Khu vực Trung tâm Seoul đã ra phán quyết yêu cầu con của cố Chủ tịch tập đoàn Semo Yoo Byung-eun, chủ sở hữu tàu khách Sewol, bồi thường cho chính phủ 170 tỷ won (142,6 triệu USD) để khắc phục thiệt hại từ thảm họa chìm tàu Sewol năm 2014.