Một tháng đã trôi qua kể từ khi Hàn Quốc chính thức chuyển từ giãn cách xã hội sang "phòng dịch trong đời sống" (tức là vừa thực hiện giãn cách xã hội vừa duy trì nhịp sống thường ngày sau khi nhận định dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định), bình thường hóa các cơ sở công cộng và các cơ sở kinh doanh khác, với điều kiện mọi người tuân theo các biện pháp vệ sinh cơ bản.
Khi Hàn Quốc chọn chuyển đổi sang phòng dịch trong đời sống vào ngày 6/5, đã có nhiều kỳ vọng rằng nhịp sống thường ngày sẽ trở lại một cách suôn sẻ, vì các trường hợp nhiễm mới chắc chắn có xu hướng giảm với số ca nhiễm cục bộ được báo cáo trong vài ngày. Trong tuần cuối cùng của đợt giãn cách xã hội (từ ngày 29/4 đến ngày 5/5), số ca nhiễm bình quân mỗi ngày là 7,43 ca. Nhưng trong một tuần gần đây (từ ngày 27/5 đến ngày 2/6), số ca nhiễm mới đã tăng gấp 6 lần, bình quân 45,14 ca. Tình hình hiện đã chuyển sang hướng khác và khiến cho kế hoạch kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày của Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Do ảnh hưởng của vụ lây nhiễm liên quan tới trung tâm phân phối hàng hóa Coupang, số ca nhiễm ngày 28/5 vừa qua lên tới 79 người, lần đầu tiên vượt ngưỡng 70 người trong vòng 53 ngày kể từ sau ngày 5/4 (với 81 người). Đây cũng là lần đầu tiên từ sau ngày 8/4 (53 ca), số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 người. Một trong những mục tiêu của Chính phủ Hàn Quốc đặt ra khi chuyển đổi sang "cơ chế phòng dịch trong đời sống" là giảm số ca nhiễm mới hằng ngày xuống dưới 50 ca. Trong những ngày gần đây, việc phát hiện các ca lây nhiễm mới có liên quan đến các nhà thờ ở Seoul và vùng phụ cận đã gây lo ngại cho các cơ quan y tế Hàn Quốc.
Theo kết quả phân tích 507 ca nhiễm mới (từ ngày 21/5 tới 4/6), có 71,8% là lây nhiễm tập thể, trong đó 96,2% tập trung ở khu vực Seoul và vùng phụ cận. Do đó, hệ số lây nhiễm COVID-19 ở Seoul và vùng phụ cận đã tăng gấp 4 lần, lên 1,9 chỉ trong một tháng. Trước khi bùng phát vụ lây nhiễm tập thể ở khu phố Tây Itaewon, hệ số lây nhiễm chỉ dừng ở mức 0,5 (Hệ số lây nhiễm thể hiện một bệnh nhân có thể truyền virus cho bao nhiêu người). Bác sĩ Uhm Joong-shik làm việc tại Trung tâm Y tế Gil của Đại học Gachon (Hàn Quốc) nhận định: "Qua sự bùng phát lẻ tẻ xảy ra liên tục, có khả năng sự lây lan của dịch COVID-19 đã tiến triển đến một mức độ nhất định. Chúng tôi chỉ không biết quy mô lây lan lớn thế nào".
Tình trạng bùng phát các ca nhiễm mới trong những tuần gần đây đã buộc các cơ quan y tế Hàn Quốc phải củng cố một số hướng dẫn phòng dịch theo chương trình kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi Itaewon trở thành điểm nóng cho sự lây lan của COVID-19, chính quyền Seoul và các thành phố khác đã ban hành mệnh lệnh hành chính tại các cơ sở giải trí, điều này hầu như đã buộc các chủ sở hữu câu lạc bộ và quán bar phải đình chỉ kinh doanh. Khi phát hiện thêm các trường hợp lây nhiễm từ ổ dịch kho hàng Coupang, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã phải tính đến việc quay trở lại biện pháp "giãn cách xã hội" nghiêm ngặt như từng thực thi trong khoảng thời gian từ ngày 22/3 đến ngày 5/5 vừa qua. Tuy nhiên, thay vì quay trở lại kế hoạch kiểm dịch như ban đầu, các cơ quan y tế Hàn Quốc đã quyết định thắt chặt các hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 ở khu vực đô thị cho đến ngày 14/6 tới. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa một số cơ sở công cộng, kể cả bảo tàng và thư viện.
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của kế hoạch kiểm dịch trong cuộc sống hằng ngày bắt nguồn từ sự mất cảnh giác của người dân. Giáo sư về bệnh truyền nhiễm Kim Woo-joo của Bệnh viện Guro thuộc Đại học Korea nói rằng: "Virus không thay đổi, nhưng sự tỉnh táo của chúng ta yếu đi. Có vẻ như mọi người đang không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội trong cuộc sống thường ngày".
Mặc dù Trung tâm Giám sát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết vẫn chưa xem xét đến việc trở lại biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt bởi Hàn Quốc vẫn đủ khả năng xử lý và kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19, song trước tình hình số ca nhiễm mới tăng đều hằng ngày và không kiểm soát được như hiện nay, các cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ buộc phải cân nhắc lại lập trường trước khi quá muộn.
Trong số 507 ca nhiễm mới được ghi nhận trong hai tuần qua, 45 ca (chiếm 8,9%) là lây nhiễm không xác định. Tỷ lệ này chỉ ở mức 4% trong khoảng thời gian từ ngày 29/4 đến ngày 13/5. Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi lo lắng khi đứng trước một tình huống không thể kiểm soát được khi phát hiện muộn sự lây nhiễm lớn trong môi trường hạn chế và nới lỏng giãn cách xã hội".
Một số chuyên gia thì cho rằng Hàn Quốc khó quay trở lại biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vì lý do kinh tế. Đổi lại, các cơ quan y tế cần nâng cấp các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ Jung Ki-suck của Bệnh viện Sacred Heart của Đại học Hallym, đồng thời là cựu Giám đốc KCDC thì nói rằng: "Chúng ta cần thiết lập các biện pháp kiểm dịch chi tiết hơn và kiểm tra xem chúng được thực hiện như thế nào để ngăn chặn đợt lây nhiễm lớn tiếp theo được báo sẽ diễn ra vào mùa Thu tới".
Trên thực tế thì mọi sự cảnh giác lúc này đều không thừa. Kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên vào cuối tháng 1 vừa qua, Hàn Quốc từng được đánh giá là một trong những quốc gia thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của đại dịch COVID-19 với phản ứng và chiến thuật được tổ chức tốt và nhanh chóng.
Đường cong mô tả sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở "Xứ sở Kim Chi", sau khi đạt đỉnh hơn 900 ca nhiễm mới/ngày vào cuối tháng 2, đã được kéo thẳng với việc tiến hành xét nghiệm COVID-19 ở quy mô rộng và toàn diện. Tuy nhiên, sau một tháng kể từ thời điểm nới lỏng hoạt động kiểm dịch do các ca nhiễm mới giảm sâu, Hàn Quốc vẫn phải vật lộn với sự bùng phát các cụm lây nhiễm lẻ tẻ xuất hiện ở khu vực đô thị đông dân. Các vụ bùng phát dịch ở khu phố Itaewon hay kho hàng Coupang thực sự là bài học cho Hàn Quốc trong công tác phòng ngừa sự lây lan của virus.
KCDC hiện đang dốc toàn lực để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, do nhận định thời gian từ nay tới cuối tuần sau sẽ là "bước ngoặt quan trọng", quyết định dịch COVID-19 có lây lan rộng trở lại trên phạm vi toàn quốc hay không. Nếu từ nay tới lúc đó không ngăn chặn được xu hướng lây lan ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận, Hàn Quốc có thể sẽ phải quay lại thực hiện "giãn cách xã hội" như trước đây.