Hàn Quốc trước nguy cơ thiếu giường cho bệnh nhân COVID-19 nặng 

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các cơ quan y tế Hàn Quốc ngày 23/7 cho biết đang tích cực chuẩn bị cho tình huống thiếu giường dành cho những bệnh nhân COVID-19 nặng có thể xảy ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới hàng ngày đang tăng theo cấp số nhân.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 30/6/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/7 đã ghi nhận thêm 1.842 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.533 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở Hàn Quốc lên 184.153 người. Đây cũng là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất ở Hàn Quốc kể từ đầu năm 2020. Dù đang áp dụng giãn cách xã hội Cấp độ 4 (mức cao nhất), song khu vực thủ đô Seoul vẫn ghi nhận trên 70% số ca nhiễm trên cả nước. Tỷ lệ số ca nhiễm mới ở các địa phương còn lại cũng đã ở mức trên 35%, mức cao kỷ lục kể từ khi làn sóng lây nhiễm lần thứ 4 bùng phát ở Hàn Quốc.

Ở thời điểm hiện tại Hàn Quốc vẫn chưa phải đối mặt với tình trạng thiếu giường bệnh tại đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) dành cho bệnh nhân nặng, tuy nhiên các trung tâm điều trị tạm thời cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ ở một số khu vực hầu như đã bị quá tải trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm thứ 4 đang có xu hướng lan rộng ra cả nước. Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về khả năng thiếu giường bệnh và nhân viên y tế. Cheon Eun-mi, bác sĩ chuyên khoa phổi tại Bệnh viện Mokdong thuộc Đại học Nữ Ewha (Hàn Quốc) nhận định rằng: "Nếu làn sóng lây nhiễm thứ tư kéo dài, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng và tử vong sẽ tăng lên".

Theo KDCA, tỷ lệ sử dụng giường tại các bệnh viện được chỉ định đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trên toàn quốc tính đến ngày 20/7 vừa qua ở mức 66,3%, với 2.582 giường còn trống. Hiện vẫn còn khoảng 500 trong số 806 giường ICU giành cho bệnh nhân nặng trên cả nước. Tỷ lệ sử dụng thuốc tại các trung tâm điều trị do chính quyền trung ương và địa phương điều hành là 64%. Tuy nhiên, các trung tâm điều trị ở một số tỉnh thành phố gần như đã hết chỗ, với tỷ lệ trung bình ở các tỉnh Nam và Bắc Chungcheong là 89,3%. Ở Busan và tỉnh Gangwon, tỷ lệ lần lượt là 84,3% và 72%.

Giới chuyên gia y tế nhận định tình hình dịch bệnh ở Hàn Quốc đang có diễn biến khác so với trước đây bởi làn sóng lây nhiễm thứ tư chủ yếu ảnh hưởng nhóm những người trẻ tuổi và chưa được tiêm chủng. Những người trên 60 tuổi, đối tượng chiếm số đông và dễ bị nhiễm virus hơn, đã được tiêm phòng trong chương trình tiêm chủng quốc gia triển khai từ cuối tháng 2 vừa qua. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn có thể gia tăng ở những người trẻ tuổi nếu xu hướng lây lan như hiện nay tiếp tục kéo dài.

Một quan chức KDCA cho biết tính riêng trong 3 tuần của tháng 7 này, cứ 100 bệnh nhân COVID-19 dưới 60 tuổi thì có một người trong tình trạng nặng và số ca tử vong ở nhóm tuổi này cũng đã tăng gần 2 lần. 

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư lan ra cả nước, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ duy trì các biện pháp ngăn cách xã hội Cấp độ 4 ở khu vực thủ đô Seoul và có thể áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường, chẳng hạn như hạn chế số lượng người được phép tham dự các cuộc tụ tập riêng tư ở các khu vực bên ngoài Seoul và vùng phụ cận. Quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này khi các quy định giãn cách hiện hành hết hạn vào ngày 25/7.

Anh Nguyên (TTXVN)
Bệnh nhân COVID-19 Indonesia chật vật tự cách ly và điều trị tại nhà
Bệnh nhân COVID-19 Indonesia chật vật tự cách ly và điều trị tại nhà

Sự gia tăng đột biến của các ca mắc COVID-19 đã khiến hệ thống y tế Indonesia rơi vào tình trạng quá tải, các bệnh viện hết chỗ, nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tự cách ly và điều trị tại nhà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN