Trước đó, ngày 13/9, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã thực hiện thành công các vụ phóng thử tên lửa hành trình tầm xa mới trong hai ngày 11 và 12/9. Các tên lửa hành trình đã bay khoảng 1.500 km trong khoảng 2 giờ trước khi bắn trúng các mục tiêu và rơi xuống vùng biển quốc tế trong quá trình thử.
Theo các nguồn tin, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) chưa công bố thông tin chi tiết về vụ phóng, làm dấy lên đồn đoán Seoul và Washington không phát hiện được các vụ thử, ít nhất là dựa trên thời gian thực.
Một nguồn tin chính phủ nêu rõ Hàn Quốc và Mỹ đang phân tích chặt chẽ thông tin liên quan đến các vụ thử và hiện hai nước vẫn chưa rõ chi tiết đường bay chính xác của các tên lửa này và dường như có 1 số giới hạn và khó khăn về đặc điểm của tên lửa hành trình.
Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết nếu Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo, JCS đã công khai thông tin liên quan ngay lập tức. Tuy nhiên, đối với các vụ thử tên lửa hành trình, việc có công bố thông tin hay không phụ thuộc vào các tình huống liên quan.
Chuyên gia tên lửa Chang Young-keun thuộc Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc nhấn mạnh, tên lửa hành trình di chuyển chậm hơn và kém uy lực hơn so với tên lửa đạn đạo, vì vậy, ngăn chặn cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình tương đối dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tên lửa hành trình lại di chuyển ở tầm thấp hơn, nên radar khó phát hiện và có thể tấn công mục tiêu chính xác hơn. Theo ông, các tên lửa được thử nghiệm gần đây dường như bay ở độ cao tối đa khoảng 100 m, và hệ thống phòng không hiện tại được thiết kế để đáp trả các tên lửa đạn đạo có tầm bay cao hơn tên lửa hành trình.
Ông Ankit Panda, một nhà nghiên cứu và chuyên gia về không phổ biến vũ khí tại Viện Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Mỹ) cũng cho rằng, tầm bay của tên lửa hành trình thấp hơn tên lửa đạn đạo có nghĩa cần thay đổi lại các cảm biến, trong đó có radar, để phát hiện và theo dõi tốt hơn.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo, song không cấm tên lửa hành trình.
*Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các quan chức cấp cao của Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đã nhóm họp 3 bên ở thủ đô Tokyo để thảo luận về các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, trong đó có các biện pháp nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Takehiro Funakoshi, Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa 3 nước trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên. Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim hy vọng Triều Tiên sẽ đáp lại một cách tích cực các đề xuất về đối thoại mà không kèm điều kiện tiên quyết nào. Trong khi đó, đặc phái viên của Hàn Quốc Noh Kyu Duk lại đề cập tới khả năng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, giới chức 3 nước nhất trí tiếp tục nỗ lực hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thông qua “đối thoại và các biện pháp trừng phạt”.
Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục có những bình luận khá gay gắt về đối phương, kéo lùi triển vọng đàm phán trong nhiều tháng. Dù chính quyền Tổng thống Biden chưa tỏ ý sẵn sàng nhượng bộ, song các chuyên gia cho rằng cách tiếp cận có thể thay đổi khi hai bên trở lại các cuộc đối thoại.