Theo hãng tin Yonhap, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp kéo dài 35 phút, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cho biết hai bên đã thảo luận đầy đủ "những điểm tranh cãi chính" liên quan đến vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến. Ông cho biết Hàn Quốc đã đề nghị Nhật Bản đưa ra "quyết định chính trị" để giải quyết vấn đề bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời chiến theo các phán quyết của Tòa án Tối cao nước này hồi năm 2018. Người đứng đầu ngành ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ: “Bây giờ chúng tôi đã hiểu lập trường của nhau, song vẫn còn phải chờ các quyết định chính trị".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra tuyên bố cho biết hai bên đã có cuộc thảo luận "thẳng thắn" về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến - vốn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương. Tại cuộc gặp, hai ngoại trưởng cũng đã nhất trí "liên lạc chặt chẽ giữa hai nước trên từng cấp ngoại giao để giải quyết các vấn đề quan tâm".
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc từng có lúc rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm dưới thời cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, đặc biệt sau khi tòa án Hàn Quốc ra các phán quyết vào cuối năm 2018 yêu cầu 2 công ty Nhật Bản bồi thường thiệt hại cho các nguyên đơn Hàn Quốc trong vụ kiện về vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến.
Các công ty Nhật Bản từ chối thực hiện phán quyết, viện dẫn chính sách của Chính phủ Nhật Bản. Các tòa án địa phương tại Hàn Quốc đã yêu cầu thanh lý một số tài sản của các công ty này tại Hàn Quốc để thực hiện các khoản đền bù cho nguyên đơn. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định các vấn đề từ thời chiến tranh đã được dàn xếp đầy đủ và kết thúc theo đúng thỏa thuận song phương ký kết năm 1965, theo đó Nhật Bản cung cấp các khoản viện trợ hoặc cho Hàn Quốc vay dưới hình thức hợp tác kinh tế.
Khi lên nhậm chức vào tháng 5/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã cam kết thực hiện chính sách quan hệ hướng đến tương lai với Nhật Bản. Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng nhấn mạnh cần xây dựng những mối quan hệ tích cực với Hàn Quốc.