Đây là một trong những điều khoản trọng tâm của Tuyên bố chung Panmunjom được lãnh đạo hai miền Triều Tiên nhất trí tại cuộc Hội đàm thượng đỉnh ngày 27/4 tại làng đình chiến Pamunjom.
Việc quan chức của hai miền Triều Tiên thường trú tại Văn phòng liên lạc và có thể thảo luận thường xuyên 24/7 được cho là sẽ mở ra một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.
Tham dự lễ khai trương, đoàn Hàn Quốc gồm 54 người do Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myong-kyun dẫn đầu cùng các các nghị sỹ Ngoài ra, tham gia phái đoàn Hàn Quốc còn có giáo sư các trường đại học, viện nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đầu tư tại khu công nghiệp Kaesong. Phái đoàn Triều Tiên tham dự sự kiện này có khoảng 50 người do Chủ tịch Ủy ban Thống nhất và Hòa bình Triều Tiên Ri Son-kwon dẫn đầu.
Văn phòng liên lạc chung liên Triều sẽ đi vào hoạt động ngay sau lễ khai trương. Đây sẽ là nơi tổ chức các cuộc thảo luận để thực hiện Tuyên bố chung Panmunjom như hợp tác lâm nghiệp, dự án hiện đại hóa và kết nối tuyến đường bộ, đường sắt liên Triều, cũng như tổ chức các cuộc thảo luận hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong tương lai khi vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên tiến triển.
Đại diện của Hàn Quốc tại Văn phòng liên lạc chung liên Triều là Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung, trong khi đại diện của phía Triều Tiên là Phó Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên Jon Chong-su. Đồng Giám đốc Văn phòng liên lạc chung của hai miền Triều Tiên sẽ không thường trú tại Văn phòng mà sẽ gặp nhau mỗi tuần một lần.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, Văn phòng liên lạc chung sẽ trở thành kênh tư vấn và liên lạc hoạt động 24/7 nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai miền Triều Tiên, giảm căng thẳng quân sự và thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hàn Quốc sẽ có 20 quan chức hoạt động ở văn phòng này trong khi Triều Tiên sẽ phân công từ 15 đến 20 quan chức.