Phát ngôn viên Nhà Xanh (Phủ Tổng thống Hàn Quốc), ông Kang Min-seok, cho biết ngay sau khi xác định lượng vaccine tiêm được dự trù để tiêm mũi thứ 2, chính phủ sẽ cân nhắc tình hình tổng thể về cung, cầu và lượng vaccine tồn kho để đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng cho nhiều người nhất có thể. Các phương án cụ thể sẽ do Ủy ban tư vấn tiêm chủng quốc gia quyết định.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã triển khai tiêm mũi thứ nhất vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca từ ngày 26/2 vừa qua. Hiện Hàn Quốc cũng đã nhập và bảo quản một phần lượng vaccine của hãng này để tiêm mũi thứ hai cho những người đã tiêm xong mũi thứ nhất. Theo KDCA, dự kiến vaccine của hãng dược AstraZeneca sẽ được nhập thêm trong quý II tới. Đây là cơ sở để Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc sử dụng trước lượng vaccine tiêm mũi thứ hai để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trong cộng đồng.
Trước đó, phát biểu tại buổi họp báo định kỳ ngày 9/3, Trưởng ban Quản lý tài nguyên thuộc Nhóm xúc tiến tiêm chủng vaccine Hàn Quốc, ông Yang Dong-gyo, cho biết chính phủ nước này dự kiến sẽ nhập 500.000 liều vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) vào các ngày 22/3 và ngày 29/3 tới. Đây lô thứ hai trong số vaccine mà Hàn Quốc đã ký kết mua riêng với hãng dược Pfizer. Ông Yang Dong-gyo cũng cho biết thêm lượng vaccine của hãng dược Pfizer dự kiến nhập trong quý II còn 6 triệu liều song chưa xác định thời gian giao nhận. Lô vaccine đầu tiên của Pfizer, được mua thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với số lượng đủ tiêm cho 58.000 người, đã đến Hàn Quốc vào ngày 26/2 vừa qua.
Về lịch trình nhập vaccine của hãng dược AstraZeneca (Anh), KCDA lý giải rằng trong số 2,1 triệu liều vaccine mà Hàn Quốc mua qua COVAX, 690.000 liều dự kiến sẽ đến Hàn Quốc ngay trong tháng 3 này và 1,41 triệu liều trong tháng 4 và tháng 5 tới.
Cùng ngày, Fiji đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, với mục tiêu tiêm đủ cho 6.000 người làm việc ở tuyến đầu, trong đó có các nhân viên y tế, lực lượng kiểm soát biên giới và gìn giữ trật tự.
Theo Bộ Y tế Fiji, lô vaccine đầu tiên gồm 12.000 liều của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh), được mua thông qua COVAX, sẽ được dùng để tiêm 2 mũi cho nhóm mục tiêu. Trong những tuần tới, sẽ có thêm vaccine ngừa COVID-19 được nhập về nước này. Trong bối cảnh chiến dịch tiêm ngừa COVID-19 được triển khai, Bộ Y tế Fiji tiếp tục yêu cầu người dân duy trì các biện pháp đã được khuyến cáo nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có giữ khoảng cách, vệ sinh tay.
Fiji - quốc đảo gồm 900.000 người dân, đặt mục tiêu có được 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Tính đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 66 ca mắc COVID-19, trong đó có 57 ca đã bình phục và 2 ca tử vong. Hiện quốc đảo này vẫn duy trì hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với du khách nước ngoài, cùng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, vốn được áp đặt từ ngày 30/3/2020.
Cùng ngày, Bộ trưởng Cải cách hành chính Nhật Bản, ông Taro Kono, đồng thời là người phụ trách chiến dịch tiêm chủng vaccine của nước này cho biết tỷ lệ người dân Nhật Bản có phản ứng bất thường với vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech dường như cao hơn tại Mỹ và châu Âu.
Phát biểu tại một ủy ban của quốc hội, ông Kono cho biết trong số 107.558 nhân viên y tế đã được tiêm phòng vaccine của Pfizer/BioNTech, có 17 người xuất hiện phản ứng bất thường với loại vaccine này. Tỷ lệ này được cho là cao hơn so với Mỹ, với 5 ca xuất hiện phản ứng/1 triệu người được tiêm vaccine, và tại Anh là 20 ca/1 triệu người, mặc dù Nhật Bản hiện đi sau Mỹ và các nước châu Âu trong việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 và tỷ lệ này có thể thay đổi khi nhiều người hơn được tiêm.
Hiện Nhật Bản tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 4,8 triệu nhân viên y tế trước khi tiến hành tiêm chủng cho những người trên 65 tuổi vào giữa tháng 4. Những người có bệnh lý nền và những người làm việc tại trung tâm chăm sóc người già sẽ được tiêm sau.
Tất cả những người tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 đều được yêu cầu theo dõi ít nhất 15 phút sau tiêm tại các cơ sở tiêm chủng. Các triệu chứng phản ứng thường xuất hiện từ 5 - 30 phút sau khi tiêm trong đó có đau họng, nổi mề đay và khó thở. Tất cả những người này đã bình phục sau khi được chữa trị.
Theo Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura, một ủy ban của bộ dự kiến sẽ xem xét vấn đề này vào ngày 12/3.