Hãng tin Reuters, trang mạng New York Post cho biết ước tính trên 70.000 đã tham gia gia cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Chính phủ liên minh của CH Séc. Những người biểu tình đồng thời kêu gọi liên minh cầm quyền hành động nhiều hơn nữa để kiểm soát tình trạng giá năng lương đang tăng cao.
Phát biểu với hãng tin iDNES, nhà đồng tổ chức cuộc biểu tình Jiri Havel nêu rõ: “Mục đích của chúng tôi là yêu cầu có sự thay đổi, chủ yếu trong việc giải quyết vấn đề giá năng lượng, đặc biệt là giá điện và khí đốt, vấn đề sẽ hủy hoại nền kinh tế của chúng tôi trong mùa Thu này”.
Cảnh sát CH Séc xác nhận, vào đầu giờ chiều 3/9, trên 70.000 người đã tham gia cuộc biểu tình phản đối Chính phủ của Thủ tướng Petr Fiala tại quảng trường trung tâm thủ đô Praha. Thủ tướng Fiala cáo buộc các lực lượng chống lại lợi ích của CH Séc kêu gọi cuộc biểu tình này. Trên trang Twitter, cảnh sát Séc thông báo: "Cuộc biểu tình trên quảng trường Wenceslas đang diễn ra trong hòa bình và chúng tôi chưa phải giải quyết bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào cho đến nay".
Trong khi đó, một thành viên ban tổ chức cuộc biểu tình thuộc phong trào "Trikolora" cho biết số lượng người tham gia biểu tình lên tới hơn 100.000 người từ sau 15h theo giờ địa phương.
Những người tổ chức cuộc tuần hành nhấn mạnh: “Nếu chính phủ không từ chức trước ngày 25/9 thì tại một cuộc biểu tình toàn quốc diễn ra vào ngày 28/9. Chúng tôi sẽ tổ chức các hành động nhằm gây áp lực (cho chính phủ). Chúng tôi đang đàm phán với các tổ chức công đoàn, doanh nhân, nông dân, người cao tuổi, công nhân vận tải và nhiều tổ chức khác để tuyên bố đình công”.
Đại diện đoàn người biểu tình là các chính trị gia, nhà khoa học và nhân vật công chúng, đã đổ lỗi cho Chính phủ Séc về cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng hiện nay. Những người tham gia biểu tình đã mang theo quốc kỳ của Cộng hòa Séc đến Quảng trường Wenceslas, hô vang yêu cầu các thành viên nội các phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra và nhấn mạnh cần tổ chức bầu cử Quốc hội sớm, đồng thời cáo buộc nhà cầm quyền thực thi chính sách đi ngược lại với lợi ích quốc gia. Người biểu tình kêu gọi đất nước thực hiện qui chế trung lập về quân sự, hối thúc chính phủ đàm phán ngay lập tức với Nga để ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang Cộng hòa Séc.
Nhiều người biểu tình mang theo quốc kỳ Séc, biểu ngữ kêu gọi Chính phủ của Thủ tướng Fiala từ chức, phản đối Thỏa thuận Xanh cho châu Âu và thái độ tiêu cực của Chính phủ Séc đối với Nga. Chủ tịch phong trào "Trikolora" (bảo thù và không ủng hộ EU) Majerova Zahradnikova cho rằng chính phủ nên giảm thuế, bao gồm thuế VAT, và chấm dứt các biện pháp trừng phạt chống Nga gây tổn hại cho các doanh nhân Séc. Bà cũng yêu cầu ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine với lập luận "đây không phải là cuộc chiến của chúng ta".
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của Trikolora, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế tại Đại học Kinh tế ở Praha, Miroslav Sevcik cáo buộc Đức muốn chi phối CH Séc với sự giúp đỡ của EU.
Video người biểu tình tập trung đông đảo tại quảng trường trung tâm Praha của Séc (Nguồn: https://ground.news/)
Cuộc biểu tình diễn ra 1 ngày sau khi Chính phủ CH Séc vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng và việc bổ nhiệm giám đốc cơ quan tình báo dân sự nước này.
Cuộc bỏ phiếu cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang châm ngòi cho bất ổn chính trị, trong bối cảnh giá điện tăng cao và lạm phát ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ. Sau cuộc tranh luận kéo dài 22 giờ, liên minh 5 đảng của Thủ tướng Fiala (đang chiếm đa số trong Hạ viện gồm 200 ghế) đã bác bỏ kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ, khi chỉ có 84 nghị sĩ ủng hộ hành động này. Năm 2009, Chính phủ Séc đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khi nước này đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên EU.
Trước đó, phe đối lập cho rằng liên đảng cầm quyền đã không cố gắng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó với tình trạng giá điện và khí đốt leo thang. Về phần mình, Chính phủ Séc khẳng định đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình khoảng 15.000 crown Séc (611 USD) vào mùa Đông tới, cũng như lên kế hoạch triển khai các bước tiếp theo nhằm giảm áp lực tài chính.
Trong vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ Séc dự định kêu gọi các nước thành viên EU họp khẩn nhằm hướng tới cách tiếp cận thống nhất về vấn đề này.