Phát ngôn viên của quân đội khu vực, Trung úy Marc Elonga Kyondwa cho biết thêm rằng chiến dịch quy mô lớn được thực hiện trong hai ngày 2/2 và 3/2 tại tỉnh Nam Kivu ở phía Đông của CHDC Congo. Quân đội nước này đang chiến đấu với các thành viên của dân quân Mai-Mai, liên minh với phiến quân Lực lượng Giải phóng Quốc gia Burundi (FNL) và phiến quân RED-Tabara. Cho đến cuối cuộc giao tranh, 33 dân quân bị "vô hiệu hóa", bao gồm ba tay súng chỉ huy.
Trung úy Kyondwa nhấn mạnh rằng đây là phản ứng của quân đội CHDC Congo chống lại các nhóm phiến quân hoạt động ở vùng núi nhìn ra thị trấn Uvira, diễn ra sau cuộc tấn công vào một trong những vị trí của chúng. Quân đội CHDC Congo hiện đã kiểm soát được tình hình, trong khi các hoạt động truy quét vẫn đang tiếp diễn.
Các nhóm phiến quân FNL và RED-Tabara có căn cứ ở miền đông CHDC Congo, một khu vực bất ổn bởi sự hiện diện của hàng chục nhóm vũ trang địa phương và nước ngoài. Quân đội CHDC Congo thường xuyên cáo buộc phiến quân Burundi liên minh với dân quân địa phươngm gây mất an ninh ở tỉnh Nam Kivu.
Cũng liên quan đến tình hình CHDC Congo, ngày 4/2, một quan chức địa phương cho biết số người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao xảy ra tại một trại dành cho người di tản ở miền Đông trong tuần này đã tăng lên thành 62 người, trong đó có 17 trẻ em.
Một cơ quan giám sát có uy tín, Kivu Security Tracker (KST) có trụ sở tại Mỹ, cho biết nhóm vũ trang khét tiếng Hợp tác xã Phát triển Congo (CODECO) bị tình nghi là thủ phạm. Nhóm này bị cáo buộc gây ra một loạt các vụ thảm sát sắc tộc trong khu vực.
Emmanuel Ndalo, người đứng đầu trại tị nạn Plaine Savo ở tỉnh Ituri, cho biết rằng những kẻ tấn công đã giết hại 62 người, trong đó có 17 trẻ em và làm bị thương 46 người khác. Ông kêu gọi cử các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đến bảo vệ trại, với khoảng 40.000 người đang sinh sống. Khu vực này là tâm điểm của sự xung đột đẫm máu giữa cộng đồng Lendu và Hema.
Giao tranh giữa hai nhóm bùng lên từ năm 1999 đến năm 2003, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trước khi bị lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Âu - Artemis, dập tắt. Bạo lực sau đó tiếp tục tái diễn vào năm 2017 do sự xuất hiện của CODECO, tổ chức tuyên bố bảo vệ dân tộc Lendu. Kể từ đó, các cuộc tấn công của CODECO đã khiến hàng trăm người chết và hơn 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong khi một nửa dân số trong khu vực phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.