Đây là đơn vị thứ 3 nộp đơn xin cấp phép lưu hành vaccine phòng COVID-19 ở Nhật Bản sau hãng dược phẩm Pfizer Inc. của Mỹ và AstraZeneca Plc. của Anh.
Công ty Dược phẩm Takeda là đối tác của Moderna Inc. chuyên thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu lâm sàng, nhập khẩu và phân phối vaccine phòng COVID-19 của hãng công nghệ sinh học Mỹ ở Nhật Bản. Takeda hiện có hợp đồng cung cấp 50 triệu liều vaccine Moderna cho Chính phủ Nhật Bản trong thời gian từ nay tới tháng 9, đủ để tiêm phòng cho 25 triệu người.
Vaccine Moderna có thể lưu trữ trong 6 tháng ở nhiệt độ âm 20 độ C nên dễ sử dụng hơn vaccine của Pfizer, vốn đòi hỏi phải lưu giữ ở nhiệt độ âm 75 độ C. Kể từ tháng 1/2021, có tổng cộng 200 người ở độ tuổi từ 20 trở lên đã tham gia các thử nghiệm lâm sàng vaccine của Moderna ở Nhật Bản. Các dữ liệu thu thập được từ các cuộc thử nghiệm này có thể sẽ được đệ trình lên bộ trên vào tháng 5.
Nhật Bản đã ký hợp đồng mua tổng cộng 314 triệu liều vaccine của ba hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca/Oxford và Moderna, đủ để tiêm cho 157 triệu người, nhiều hơn 31 triệu người so với dân số nước này.
Nhật Bản bắt đầu chương trình tiêm phòng từ ngày 17/2. Trong giai đoạn đầu, vaccine của Pfizer/BioNTech được sử dụng để tiêm phòng cho 40.000 nhân viên y tế tại 100 bệnh viện trên cả nước. Những người từ 65 tuổi trở lên sẽ bắt đầu được tiêm phòng từ ngày 12/4. Tiếp đó là những người có các bệnh lý nền và các nhân viên ở các cơ sở chăm sóc người già. Cuối cùng, Nhật Bản sẽ mở rộng chương trình tiêm chủng cho tất cả người dân.
* Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, chính quyền thủ đô Seoul ngày 5/3 thông báo sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn các vụ lây nhiễm virus tập thể trong nhóm lao động người nước ngoài.
Thành phố Seoul cho biết nhiều người nước ngoài đang trốn tránh xét nghiệm do lo ngại sẽ gặp những rắc rối trong sinh hoạt, làm ăn hay lộ việc sinh sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Do đó, chính quyền thành phố đã quyết định sẽ miễn phí tiền xét nghiệm, hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt và chi phí điều trị khi lao động người nước ngoài mắc COVID-19, miễn trừ nghĩa vụ khai báo đối với người cư trú bất hợp pháp. Các nội dung này sẽ được thông báo bằng 13 thứ tiếng.
Ngoài ra, thành phố sẽ tăng cường rà soát các doanh nghiệp trong những khu vực tập trung nhiều người nước ngoài như quận Guro, quận Geumcheon và quận Yeongdeungpo; đồng thời kéo dài thời gian hoạt động các trạm xét nghiệm tạm thời ở các khu vực này.
Thành phố Seoul cũng có kế hoạch kêu gọi mỗi hộ gia đình người nước ngoài sống trong địa bàn thành phố cử một thành viên đại diện xét nghiệm COVID-19. Hiện tại Seoul có khoảng 240.000 người nước ngoài đang sinh sống.