Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không tham gia vận chuyển người di cư đến Belarus, điểm quá cảnh để qua Ba Lan từ đó vào Liên minh châu Âu (EU).
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Zbigniew Rau, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định nước này không tham gia vào việc vận chuyển người di cư tới Belarus. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ những cáo buộc vô căn cứ chống lại nước này cũng như hãng hàng không Turkish Airlines, đồng thời bày tỏ thất vọng trước ngờ vực từ phía Ba Lan trong khi thực tế Ankara “không phải là một bên của vấn đề”.
Theo nhà chức trách Belarus, một làn sóng người tị nạn từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi, đang tiến về biên giới với Ba Lan. Litva, Latvia và Ba Lan cáo buộc Minsk tạo ra cuộc khủng hoảng di cư, điều mà phía Belarus phủ nhận. Tổng thống Belarus, Alexander Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của họ khiến người dân tại nhiều quốc gia đó phải chạy trốn khỏi chiến tranh.
Về phần mình, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus và các hãng hàng không chở người di cư tới Belarus từ ngày 15/11. Đáp lại, Belarus cảnh báo sẽ ngừng vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua đường ống dẫn khí đốt xuyên quốc gia Yamal-Europe.
Về vấn đề người di cư tại biên giới giữa Belarus và các nước EU, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/11, Tổng thống Nga Vladimri Putin cho rằng EU cần đàm phán với Belarus nếu muốn giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư đang xảy ra ở khu vực biên giới Belarus-Ba Lan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cho biết nước này sẵn sàng thảo luận vấn đề hồi hương người tị nạn với các đối tác quốc tế.