Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, quy trình mới sử dụng phương pháp xét nghiệm kháng nguyên do Trung tâm Y tế Sheba (Israel) phát triển. Quy trình này chia hành khách thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm đã tiêm xong vaccine, nhóm đã xét nghiệm bằng phương pháp PCR cho kết quả âm tính và nhóm còn lại; trong đó hai nhóm đầu tiên đang được các hãng hàng không áp dụng phổ biến để quyết định cho phép hành khách lên máy bay.
Nhóm còn lại sẽ phải xét nghiệm kháng nguyên tại chỗ đối với một loại protein để xác định hành khách có bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Kết quả âm tính sẽ cho biết hành khách đó không bị nhiễm virus trong vòng 48-72 giờ.
Theo thông báo của Sheba, phương pháp này không chỉ nhanh vì cho kết quả sau 10-15 phút, mà còn chính xác 100% khi muốn xác định một người có bị nhiễm virus hay không.
El Al cho biết phương pháp xét nghiệm kháng nguyên sẽ tăng thêm một lớp phòng vệ COVID-19 đối với toàn bộ chuyến bay, bên cạnh các biện pháp hiện nay, như khử khuẩn tàu bay, lắp đặt hệ thống lọc không khí đặc biệt, tiêm vaccine cho các nhân viên hàng không và sân bay…
Giám đốc điều hành của El Al, Avigal Soreq cho rằng phương pháp mới hỗ trợ chính phủ Israel đẩy nhanh việc mở cửa trở lại các sân bay quốc tế sau một thời gian đóng cửa, đồng thời tiếp sức cho các ngành du lịch và thương mại gượng dậy sau đại dịch COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, COGAT - cơ quan quân đội điều phối các hoạt động của chính phủ Israel tại Bờ Tây cho biết, Israel đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho lao động Palestine làm việc tại Israel và tại các khu định cư của người Do Thái. Theo đó, lao động Palestine có thể được tiêm vaccine COVID-19 tại các trung tâm y tế được lập tại các chốt kiểm soát biên giới, cũng như tại các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây.
Tháng trước, Bộ Y tế Palestine và Israel đã nhất trí sẽ tiêm chủng cho 100.000 lao động Palestine đang làm việc tại Israel và các vùng lãnh thổ mà nước này kiểm soát.