Nợ nần chồng chất cộng với chi phí thuê nhân công cao và giá nhiên liệu liên tục leo thang là những nguyên nhân chính dẫn tới việc hãng hàng không danh tiếng của Mỹ là American Airlines và công ty mẹ của hãng này là AMR Corp ngày 30/11 đã buộc phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản chiểu theo chương 11 trong Luật bảo lãnh phá sản của Mỹ. Cùng với đơn xin bảo lãnh phá sản để cơ cấu lại, hãng hàng không lớn nhất thế giới ở thời điểm năm 2008 này cũng thông báo rằng Tổng Giám đốc điều hành của American Airlines là Gerad Arpey sẽ từ chức và Chủ tịch của hãng là Thomas Horton sẽ tiếp quản cương vị này.
Ảnh minh họa, nguồn Internet. |
Thông báo của American Airlines được đưa ra từ tổng hành dinh tại thành phố Fort Worth, bang Texas, cho biết trong những tháng gần đây ngân sách hoạt động của hãng luôn trong tình trạng khánh kiệt, trong khi lại phải chi cao hơn các hãng hàng không khác hàng trăm triệu USD do các các quy định mới trong hợp đồng lao động. Các chi phí phát sinh này cộng với giá nhiên liệu tăng đã dẫn tới khoản nợ lên tới 29,6 tỷ USD trong khi tổng giá trị tài sản của American Airlines hiện chỉ còn ở mức 24,7 tỷ USD.
Thông báo cũng cho biết việc nộp đơn lên tòa án xin bảo lãnh phá sản là để có thời gian cơ cấu lại tổ chức, giãn nợ và đáo nợ. Mọi hoạt động của hãng, nhất là các chuyến bay, trong thời gian trước mắt vẫn được duy trì và ít gây ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, hãng có thể sẽ bỏ các tuyến bay tới những địa điểm ít sinh lời. Lương bổng của đội ngũ phi công và nhân viên của hãng có khả năng cũng bị cắt giảm.
Với phi đội bay gồm hơn 655 máy bay các loại, American Airlines là hãng hàng không lớn duy nhất của Mỹ không nộp đơn xin bảo lãnh phá sản sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Không giống các hãng lớn khác, American Airlines không chấp nhận hợp nhất với các đối thủ và là hãng hàng không lớn duy nhất của Mỹ làm ăn thua lỗ trong năm 2010. Đến năm 2008, American Airlines vẫn duy trì được vị trí hãng hàng không lớn nhất thế giới, nhưng hiện chỉ là hãng hàng không lớn thứ ba của Mỹ có hoạt động tại khoảng 260 sân bay của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
AMR Corp bị thua lỗ 162 triệu USD trong quý III/2011. Năm 2010, AMR Corp bị thua lỗ tới 2,7 tỷ USD trong khi các hãng hàng không lớn khác của Mỹ như United Continental, công ty mẹ của United Airlines - hãng hàng không lớn nhất thế giới - trong quý III/2011 lãi 653 triệu USD và US Airways lãi 76 triệu USD. Trong 16 quý gần đây, AMR Corp bị thua lỗ trong 14 quý liên tục.
Thái Hùng (P/v TTXVN tại Mỹ)