Theo kênh CNN, hôm 28/9, hãng hàng không United Airlines cho biết số lượng nhân viên này chiếm gần 1% trong số 67.000 người lao động của United Airlines.
Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng cho biết khoảng 2.000 nhân viên khác, chiếm gần 3% lực lượng lao động, cũng đã nộp đơn xin được miễn tiêm vaccine với ly do y tế hoặc tôn giáo. Hiện những yêu cầu này đang được xem xét.
Giám đốc Điều hành của United Airlines, ông Scott Kirby cho biết trong một bức thư gửi cho các nhân viên: “Việc yêu cầu tất cả nhân viên của hãng hàng không tiêm vaccine COVID-19 rất đơn giản, đó là để đảm bảo an toàn cho nhân viên của chúng ta. Sự thật là chúng ta sẽ an toàn hơn khi tất cả mọi người đều tiêm chủng”.
Hãng hàng không cũng nói thêm rằng những người trong số 593 nhân viên chưa tuân thủ yêu cầu tiêm vaccine vẫn có thể được tiếp tục làm việc nếu họ đi tiêm chủng và trình giấy xác nhận cho hãng hàng không.
Một số doanh nghiệp lo ngại rằng việc bắt buộc nhân viên tiêm vaccine có thể khiến nhiều người bỏ việc trong một thị trường lao động đang rất eo hẹp. Tuy nhiên, những công việc tại United Airlines dường như đủ hấp dẫn để ngay cả những nhân viên còn do dự cũng chấp nhận đi tiêm phòng.
Tỷ lệ ủng hộ việc bắt buộc nhân viên tiêm chủng cũng tăng lên khi khi các trường hợp mắc và tử vong do COVID-19 gia tăng trong mùa hè này, chủ yếu ở những người chưa được tiêm chủng.
United Airlines, giống như tất cả các hãng hàng không khác, đã cắt giảm nhân viên vào năm 2020 do du lịch hàng không giảm mạnh. Các hãng hàng không đang trong quá trình thuê nhân viên thời vụ để nỗ lực phục hồi của du lịch hàng không. Các quan chức của United Airlines cho biết một số ứng viên đủ điều kiện đã tình nguyện nộp đơn xin việc tại hãng hàng không, vì yêu cầu về tiêm chủng thể hiện cam kết của hãng hàng không đối với sự an toàn của nhân viên.
United Airlines là một trong những hãng hàng không đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt nhất về việc tiêm vaccine cho người lao động. Họ đã có kế hoạch cho các nhân viên không chịu tiêm vaccine COVID-19 nghỉ không lương từ ngày 2/10, tuy nhiên đã trì hoãn đến ngày 15/10. Vào tuần trước, 6 nhân viên của United Airlines đã kiện hãng hàng không này tại tòa án liên bang ở Texas với cáo buộc rằng khi bắt nghỉ không lương, công ty này đang phân biệt đối xử với những nhân viên có lý do tôn giáo để từ chối tiêm hoặc người thuộc diện không cần tiêm vaccine bởi có lý do y tế hợp lý.
Các hãng hàng không khác của Mỹ đã có những cách xử lý khác nhau đối với nhân viên từ chối tiêm vaccine COVID-19. Từ tháng 11, hãng hàng không Delta Air Lines sẽ yêu cầu nhân viên không tiêm vaccine COVID-19 nộp 200 USD mỗi tháng, liên tục xét nghiệm và đeo khẩu trang nơi làm việc. Kể từ khi áp dụng chính sách này, tỷ lệ tiêm vaccine tại hãng đã tăng khá nhanh, từ 72% vào tháng 7/2021 đã tăng lên 82% tổng quy mô nhân viên.
Các hãng hàng không khác, như Southwest Airlines và American Airlines, cũng đã cố gắng khuyến khích người lao động tự nguyện tiêm vaccine COVID-19 nhưng chưa bắt buộc. Điều này sẽ có thể sớm thay đổi trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch buộc nhân viên các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhà thầu của Chính phủ Mỹ phải tiêm vaccine COVID-19. Hiện chưa rõ liệu nhân viên các hãng hàng không có lựa chọn xét nghiệm thường xuyên thay cho việc tiêm vaccine hay không.
Tuy nhiên, phi công của cả hai hãng hàng không nói trên đều phản đối tiêm vaccine COVID-19 bắt buộc. Trong lá thư gửi các quan chức liên bang vào tuần trước, họ khẳng định trong bối cảnh thiếu phi công như hiện nay, đặc biệt khi mùa nghỉ lễ đang đến gần, việc bắt buộc tiêm vaccine sẽ làm cho mọi chuyện tệ hại hơn. Họ cảnh báo về kịch bản các hãng hàng không buộc phải cho nghỉ việc không lương hoặc tệ hơn là thực hiện việc sa thải hàng loạt các phi công chưa tiêm phòng.