Ngư dân từ 22 tỉnh thành Thái Lan đã quyết định lập lán trại tạm thời, biểu tình phản đối trước Bộ Nông nghiệp.
Một ngư dân tại tỉnh Rayong phản ánh: “5 năm qua chúng tôi đã mất tất cả. Nếu không có được câu trả lời trong ngày hôm nay, chúng tôi quyết không rời đi”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu hải sản lớn nhất trên thế giới. Thái Lan đã ban hành quy định nhằm xử lý đánh bắt trái phép, không báo cáo và mất trật tự (IUU) từ 4 năm trước sau khi Liên minh châu Âu (EU) cảnh cáo cấm nhập khẩu hải sản từ nước này.
EU đã ngừng cảnh cáo Thái Lan từ tháng 1 năm nay với lý do nước này đã có “tiến bộ quan trọng”. Tuy nhiên, những quy định mà Bangkok ban hành từ năm 2015 đã gây tổn thương đối với ngành đánh bắt hải sản.
Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Quốc gia Thái Lan (NFAT) Mongkol Sukcharoenkana cho biết quy định kèm theo mức phạt cao khiến nhiều ngư dân phải bỏ nghề.
Vào đầu tháng 12, nhiều hiệp hội nghề cá tại Thái Lan đã đề xuất danh sách các yêu cầu trong đó bao gồm giảm các hạn chế và phân bổ các quỹ đặc biệt hỗ trợ ngành đánh bắt.
Cố vấn Bộ Nông nghiệp Thái Lan – ông Alongkorn Ponlaboot ngày 17/12 cho biết quốc hội nước này đang xem xét khoản vay trị giá 10,3 tỷ baht (341 triệu USD) dành cho ngư dân và chương trình 7,1 tỷ baht (235 triệu USD) mua 2.700 tàu cá.
Ông Alongkorn Ponlaboot nhận định rằng thay đổi luật là rất phức tạp bởi có thể ảnh hưởng đến cam kết của Thái Lan đối với chống IUU.
Nhiều tổ chức quốc tế đã khen ngợi những thay đổi của chính phủ Thái Lan trong quy định về đánh bắt hải sản.
Ngành đánh bắt hải sản trị giá hàng tỷ USD của Thái Lan từng đối mặt với nhiều chỉ trích sau nhiều cuộc điều tra cho thấy tồn tại hành vi bóc lột, buôn người đối với ngư dân trên các tàu cá.