Những người biểu tình phản đối cho rằng đây là động thái nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ quốc hội cản trở kế hoạch của chính phủ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit- đúng thời hạn vào ngày 31/10 tới kể cả khi không có thỏa thuận. Các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều thành phố như London, Manchester, Leeds, Edinburgh và các thị trấn cũng như thành phố khác. Cảnh sát London đã điều các đội chống bạo động tới Westminster để đảm bảo trật tự cho khu vực này.
Sắp tới, Hạ viện Anh sẽ trở lại làm việc vào ngày 3/9 sau thời gian nghỉ Hè. Sau đó vài ngày, cơ quan này sẽ tiếp tục nghỉ để các chính đảng tổ chức họp thường niên trước khi bắt đầu kỳ họp mới vào đầu tháng 10. Theo kế hoạch của Thủ tướng Johnson thì đợt nghỉ này sẽ kéo dài tới ngày 14/10, tức là hạ viện sẽ không làm việc trở lại vào đầu tháng 10. Nữ hoàng Anh Elidabeth II đã phê chuẩn kế hoạch này với thông báo nêu rõ kỳ nghỉ của Hạ viện Anh sẽ có thể bắt đầu trong một ngày bất kỳ giữa 9/9 và 12/9 và kéo dài tới 14/10. Điều này đồng nghĩa với Hạ viện Anh sẽ làm việc trở lại chỉ 2 tuần trước hạn chót Brexit.
Truyền thông Anh đưa tin nhiều nghị sĩ phản đối đã viết thư gửi tới điện Buckingham đề nghị được tham vấn với Nữ hoàng để thay đổi kế hoạch này. Trong khi đó, một bản kiến nghị trực tuyến phản đối kế hoạch của Thủ tướng Johnson cũng đã thu hút khoảng một triệu chữ ký ủng hộ. Cựu Thủ tướng Anh John Major cho biết đang lấy ý kiến cố vấn về khả năng đưa ra thách thức pháp lý với quyết định của ông Johnson.
Xứ Wales cũng triệu tập cơ quan lập pháp đang trong kỳ nghỉ Hè trở lại làm việc để thảo luận về kế hoạch của chính phủ trung ương. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon chỉ trích kế hoạch này vi phạm những nguyên tắc dân chủ cơ bản trong khi lãnh đạo phe Bảo thủ tại xứ này Ruth Davidson cũng tuyên bố từ chức vào ngày 29/8 để phản đối kế hoạch của ông Johnson.
Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CH Ireland Simon Coveney cho rằng động thái trên có thể là một nỗ lực của Thủ tướng Johnson nhằm thu hẹp cơ hội để các nghị sĩ Anh thông qua luật chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận. Chính trị gia Ireland nhận định dù Anh và EU đã dành rất nhiều thời gian để đàm phán một thỏa thuận Brexit giúp ngăn chặn việc thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland, nhưng tuyên bố mới của Chính phủ Anh cho thấy London hoàn toàn có thể gác vấn đề này sang một bên.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Johnson vẫn luôn phủ nhận những chỉ trích kể trên và khẳng định các chính trị gia sẽ có đủ thời gian để tranh luận về tương lai của Anh tại EU. Nghị sĩ Jacob Rees-Mogg, người cùng tham gia cuộc họp với Nữ hoàng Anh tại khu nghỉ dưỡng Balmoral ở Scotland, khẳng định đây là một chức năng hiến pháp thông thường và Chính phủ Anh đang rất nỗ lực để đạt được một thỏa thuận Brexit.
Chuyên gia nghiên cứu hiến pháp tại Đại học Durham Robert Craig cho rằng về lý thuyết thì kế hoạch của ông Johnson không sai và đó là điều hoàn toàn bình thường khi một lãnh đạo mới đề ra lịch trình bắt đầu làm việc của một kỳ họp quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề gây phản ứng nằm ở chỗ kế hoạch này giảm số ngày làm việc của Hạ viện Anh, vốn có thể dẫn tới một động thái ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, kịch bản mà ông Johnson, người luôn đi đầu ủng hộ Brexit, khẳng định sẵn sàng thúc đẩy để Anh ra đi đúng thời hạn 31/10 sau 2 lần trì hoãn.