Phần lớn thủ đô Philippines vẫn đang ngập trong biển nước vào ngày 25/7 sau khi cơn bão Gaemin dù không đổ bộ vào đất liền nhưng lại làm trầm trọng thêm những cơn mưa xối xả theo mùa.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày gây ra ngập lụt và sạt lở trên khắp Philippines đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 13 người và khiến hơn 600.000 người di tản.
Không giống như ở Đài Loan (Trung Quốc), cơn bão – được người dân địa phương gọi là Carina – không đổ bộ vào Philippines, nhưng tác động từ nó đã gây ra lượng mưa hơn 300 mm ở khu vực thủ đô Manila và một phần của đảo chính Luzon, khiến các quan chức ban bố “tình trạng thiên tai” ở thủ đô trong ngày 24/7 và sơ tán hàng chục nghìn người.
Video và hình ảnh từ thủ đô cho thấy người dân lội qua vùng nước sâu đến ngực. Thậm chí một số người còn phải đu đường dây điện trên cao để di chuyển qua những con đường lớn biến thành sông. Các gia đình có trẻ em quấn khăn chen chúc nhau trên những chiếc xuồng nhỏ hẹp khi các đội ứng phó thảm họa giải cứu khỏi những ngôi nhà bị ngập lụt.
Video công tác cứu hộ diễn ra khẩn trương trong dòng nước lũ tại Manila (nguồn: Reuters):
Theo hãng thông tấn Philippines, một số khu vực của trung tâm Manila - nơi sinh sống của 13 triệu người – ghi nhận tình trạng ngập lụt cao ngang các tòa nhà một tầng. Một số cư dân trèo lên mái nhà chờ cứu hộ.
“Không ai chuẩn bị cho điều này, mặc dù chúng tôi đã lường trước cơn bão, nhưng chúng tôi không thể dự đoán được quy mô lượng mưa”, ông Ben Ramirez Narag - ủy viên hội đồng địa phương tỉnh Rizal – cho biết. Hàng cứu trợ đã được đưa tới các trung tâm sơ tán và lực lượng chức năng địa phương cũng đang đánh giá thiệt hại về cơ sở hạ tầng.
Tình trạng ngập lụt sau cơn bão có sức tàn phá mạnh mẽ đã đặt ra câu hỏi lớn về khả năng ứng phó với thảm họa của Philippines.
Mỗi năm, quần đảo này hứng chịu nhiều cơn bão. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đã khiến các cơn bão trở nên khó lường và cực đoan hơn, đồng thời khiến những người nghèo nhất quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các cơn bão ngày càng trở nên dữ dội và tàn phá hơn. Vào năm 2021, Siêu bão Rai – được người dân địa phương gọi là Odette – đã giết chết hơn 200 người khi đổ bộ vào đảo Siargao - một điểm du lịch nổi tiếng ở bờ biển phía Đông. Bão Haiyan, một trong những cơn bão mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử hiện đại, đã tấn công Philippines vào năm 2013 và khiến hơn 6.000 người thiệt mạng.
Các chuyên gia đánh giá các quốc gia ở Nam bán cầu đang đạt đến giới hạn trong khả năng có thể tự mình xử lý các thảm họa khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Những người sống ở vùng trũng ven biển sẽ không còn nhà cửa do mực nước biển dâng cao.
Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy do biến đổi khí hậu, một phần các thành phố lớn nhất châu Á có thể chìm trong nước vào năm 2100 do mực nước biển dâng cao và lũ lụt ven biển ở Manila trong thế kỷ tới sẽ xảy ra thường xuyên hơn 18 lần so với trước đây.
Chỉ vài ngày trước khi cơn bão đi qua Philippines, Tổng thống Marcos Marcos Jr đã đưa công tác phòng chống lũ lụt vào bài phát biểu toàn quốc.
“Hơn 5.500 dự án kiểm soát lũ lụt đã được hoàn thành và nhiều dự án khác hiện đang được thực hiện trên khắp đất nước”, Tổng thống Marcos nhấn mạnh.
Các nhà vận động đã thúc giục nhà lãnh đạo Marcos làm nhiều hơn nữa để xây dựng khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt, khi người dân phải vật lộn để xây dựng lại cuộc sống sau khi phải chịu đựng nhiều thảm họa khí hậu.
“Những trận mưa xối xả mang đến một bức tranh khác về thời tiết khắc nghiệt trong một thế giới bị biến đổi khí hậu. Người Philippines đang kêu gọi công lý. Tổng thống Marcos phải ủng hộ các chính sách giúp tạo điều kiện cho việc đó, phải ưu tiên hành động vì khí hậu. Đây có thể sẽ không phải là cơn bão tồi tệ nhất mà chúng ta phải đối mặt”, nhà vận động Greenpeace Philippines Khevin Yu kêu gọi.