Theo Trung tâm giảm thiểu nguy cơ núi lửa và địa chất (PVMBG), núi lửa Lewotobi Laki-Laki đã phun trào nhiều lần trong những tuần qua, trong đó lần phun trào ngày 1/1 đã tạo ra cột tro bụi bốc cao hơn 1,5 km. PVMBG cho biết núi lửa Lewotobi Laki-Laki cũng phun trào trong ngày 2/1, song cơ quan này không ghi nhận khói bụi từ hoạt động này.
Giới chức địa phương cho biết các hoạt động phun trào gần đây đã gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân gần núi Lewotobi Laki-Laki, khiến trên 2.200 người phải di dời đến các điểm an toàn.
Nhà chức trách địa phương đã nâng cảnh báo núi lửa lên mức cao thứ 2 trong thang cảnh báo gồm 4 mức, đồng thời mở rộng khu vực nguy hiểm từ bán kính 2 km lên 4 km xung quanh miệng núi lửa. Tro bụi từ hoạt động núi lửa phun trào khiến sân bay Frans Seda cách đó 80 km phải đóng cửa trong ngày 1/1.
Tại Indonesia thường xuyên xảy ra hoạt động địa chấn và núi lửa do vị trí nằm trên Vành đai Lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm với nhau. Tháng trước, núi lửa Marapi trên đảo Sumatra phun trào khiến 23 người thiệt mạng. Hiện Indonesia có gần 130 núi lửa hoạt động.