Theo SOHR, khoảng 7.000 người đã trở về các thị trấn, làng mạc kể từ khi thỏa thuận đạt được vào ngày 17/9, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Idlib, và khu vực phía Bắc Hama. Tại khu trại dành cho những người dân phải di tản ở thị trấn Atme, thuộc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người dân Syria đã giương cao biểu ngữ hoan nghênh thỏa thuận trên.
Theo thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp ở thành phố Sochi (Nga) ngày 17/9 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, hai nước sẽ phối hợp tuần tra khu vực phi quân sự ở Idlib “nhằm ngăn chặn sự khiêu khích từ bên thứ ba”, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng cường các trạm quan sát trong khu vực phi quân sự.
Bên cạnh đó, Ankara và Moskva cũng nhất trí cần loại bỏ hoàn toàn các nhóm cực đoan ra khỏi Idlib. Thỏa thuận trên được xem là bước đột phá nhằm tháo gỡ bất đồng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vấn đề Idlib. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết theo thỏa thuận này, tất cả các nhóm cực đoan gồm tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, Jabhat al-Nusra và các tổ chức khủng bố có trong danh sách của Liên hợp quốc (LHQ) phải rút hết khỏi khu vực trước ngày 15/10.
Tỉnh Idlib có khoảng 3 triệu dân trong đó một số khu vực hiện do phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kiểm soát, tuy nhiên nhiều thị trấn thuộc tỉnh này do các tay súng thánh chiến kiểm soát, trong đó có các tay súng thuộc chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda ở Syria.
Trước đó, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan điểm khác nhau về kế hoạch của quân đội Chính phủ Syria mở cuộc tấn công giải phóng Idlib, nơi được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố và phiến quân ở Syria. Moskva cho rằng kế hoạch tấn công này sẽ giúp quét sạch khủng bố ra khỏi Syria, trong khi Ankara lo ngại sẽ phải đối mặt với làn sóng người tị nạn ồ ạt đổ về do tỉnh Idlib giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ.