Theo đài CNN (Mỹ), đến ngày 13/2 trận động đất có độ lớn 7,8 xảy ra ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới với Syria hôm 6/2 đã khiến trên 31.600 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên 4.500 người chết ở Syria. Thảm kịch này có thể sẽ trở thành trận động đất chết chóc nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi vượt qua trận động đất năm 1939 khiến 32.962 người chết.
Các lực lượng ứng cứu khẩn cấp vẫn nỗ lực hết sức để tiếp cận những người dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, tổ chức tình nguyện Mũ Bảo hiểm Trắng cho biết, ở phía tây bắc Syria, các hoạt động cứu hộ đã kết thúc.
Trong lúc các gia đình thương tiếc cho sự ra đi của những người thân yêu, thì sự oán giận cũng đang gia tăng trong những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch và ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói truy trách nhiệm của những người có liên quan đến mức độ thảm khốc của thảm họa.
Hàng loạt vụ bắt giữ các nhà thầu
Trong lúc công chúng ngày càng phẫn nộ, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang điều tra 163 người liên quan đến các vụ sập nhà. Hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, ngày 13/2, 8 người đã bị bắt giam và 48 người đang bị cảnh sát tạm giữ. Trách nhiệm của những người bị bắt đã được công tố viên xác định.
Trong chuyến thăm vùng thảm họa Diyarbakir trước đó trong ngày 13/2, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết các văn phòng công tố viên ở tất cả các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất đều đang tiến hành các cuộc điều tra tư pháp.
Ông Bozdag giải thích rằng “một số tòa nhà đã 30 năm tuổi, một số cũ hơn, một số 20 năm và một số được xây dựng gần đây hơn. Các cuộc kiểm toán có thể đánh giá thông tin này và các công tố viên của chúng tôi tiến hành điều tra để xác định ai có liên quan đến các công trình xây dựng này.”
Theo Anadolu, các công tố viên ở thành phố Malatya đã ban hành lệnh bắt giữ 31 người vào ngày 13/2 vì có liên quan đến các tòa nhà bị sập. Nazmi Tosun, giám sát xây dựng và đại diện kỹ thuật của tòa chung cư Emre, đổ sập ở tỉnh Gaziantep, bị bắt ở Istanbul vào sáng sớm 13/2.
Xem khoảnh khắc một tòa nhà bị sập do động đất ở Malatya, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2: (Nguồn: VOA)
Một số nhà thầu bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về các tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Adiyaman đã bị bắt hôm 12/2 tại sân bay Istanbul khi đang tìm cách rời khỏi đất nước. Yavuz Karakus và vợ là Sevilay, người đã xây dựng một số tòa nhà ở Adiyaman, bị bắt tại sân bay khi mang theo nhiều USD. Karakus thanh minh với các phóng viên: “Lương tâm của tôi rất trong sáng. Tôi đã xây dựng 44 tòa nhà. Bốn trong đó bị sập. Tôi đã làm mọi thứ theo quy định.”
Mehmet Yaşar Coşkun, một nhà thầu chịu trách nhiệm khu căn hộ cao tầng sang trọng Rönesans Residence bị sập ở tỉnh Hatay, đã bị nhà chức trách chặn lại tại sân bay vào 10/2 khi đang tìm cách chạy trốn đến Montenegro. Theo hãng Anatoly, ông này tuyên bố không biết tại sao tòa nhà của mình bị sập và chuyến bay của ông không liên quan gì đến việc nhà sập.
Một nhà thầu khác, Mehmet Ertan Akay, người xây dựng tòa nhà chung cư khác bị sập ở Hatay cũng bị cảnh sát Istanbul bắt giữ. Nhà thầu Ibrahim Mustafa Uncuoğlu, đã bị giam giữ tại Istanbul hôm 11/2 sau khi cuộc kiểm tra tại Khu căn hộ Bahar bị sập, nằm ở tâm chấn của trận động đất ở Gaziantep, cho thấy hoạt động xây dựng cẩu thả.
Cuộc trấn áp các nhà thầu kém chất lượng diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường giám sát các tiêu chuẩn xây dựng và quy định xây dựng.
Động đất không phải là hiếm ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì quốc gia này nằm giữa nhiều mảng kiến tạo. Tuy nhiên, trận động đất tuần trước có sức tàn phá đặc biệt nghiêm trọng. Đại diện Liên hợp quốc mô tả thảm họa này là “sự kiện tồi tệ nhất trong 100 năm ở khu vực này”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng những quy tắc nghiêm ngặt sau trận động đất kinh hoàng ở Izmit vào năm 1999, khiến hơn 17.000 người chết và khoảng nửa triệu người mất nhà cửa.
Yếu tố con người?
Sau các thảm họa động đất trước đó, các quy định về xây dựng tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được siết chặt hơn, và điều này lẽ ra phải đảm bảo rằng các tòa nhà hiện đại sẽ chịu được những chấn động lớn. Tuy nhiên, nhiều tòa nhà bị hư hại trên khắp khu vực trong trận động đất vừa qua dường như mới được xây dựng. Người dân và các chuyên gia hiện đang đặt câu hỏi liệu chính quyền có thất bại trong việc thực hiện các bước cần thiết để thực thi nghiêm các quy định về xây dựng hay không.
Yasemin Didem Aktas, kỹ sư kết cấu và giảng viên tại Đại học College London, nói với CNN rằng mặc dù trận động đất và các dư chấn của nó tạo thành “một sự kiện rất mạnh có thể thách thức ngay cả các tòa nhà tuân thủ quy tắc”, thì quy mô thiệt hại vẫn cho thấy nhiều tòa nhà không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn.
“Những gì chúng ta đang thấy ở đây chắc chắn cho chúng ta biết có điều gì đó không ổn trong các tòa nhà đó và có thể chúng không được thiết kế phù hợp với các quy tắc ngay từ đầu hoặc việc triển khai thi công không được đảm bảo phù hợp", bà Didem Aktas nhận xét. “Chúng tôi cũng nhận thấy điều khá phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ là những sửa đổi sau khi có người ở đối với các tòa nhà làm ảnh hưởng đến sự an toàn về cấu trúc của chúng".
“Đây là những ngày đầu tiên, hy vọng chúng tôi sẽ có mặt để hoàn thành các đánh giá kỹ thuật của mình trong thời gian tới nhưng hiện tại chúng tôi có thể nói rằng chúng chắc chắn đã bị lỗi", bà Aktas nói thêm.
Tranh cãi lệnh "ân xá xây dựng"
Một số nhà phê bình cũng đang đặt câu hỏi về sự chấp thuận của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với cái gọi là “ân xá xây dựng” – về cơ bản là các miễn trừ pháp lý, với một khoản phí, tha tội cho các nhà phát triển những dự án không đảm bảo các yêu cầu an toàn cần thiết.
Lệnh ân xá này được thiết kế để hợp pháp hóa các tòa nhà cũ được xây dựng dưới quy chuẩn. Lệnh này cũng không yêu cầu các nhà phát triển phải nâng cấp các bất động sản của họ lên phù hợp với quy định.
Đợt "ân xá xây dựng" gần đây nhất đã được thông qua vào năm 2018, khi chính phủ cho biết hơn 50% các tòa nhà trong cả nước được hiểu là vi phạm quy tắc xây dựng. Phần lớn các vi phạm xây dựng xảy ra từ năm 1950 đến năm 2000.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thường xuyên coi xây dựng là trọng tâm trong các chính sách phát triển kinh tế của mình trong hai thập kỷ làm tổng thống và thủ tướng. Các đợt ân xá của chính phủ trong những năm qua thường trùng hợp với các chiến dịch vận động trước các cuộc bầu cử và được nhiều người coi là một cách để thu hút phiếu bầu.
Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ phải đối mặt với nhiều năm tái thiết, nhưng các chuyên gia nói rằng sẽ không phải theo cách này.
Ajay Chhibber, nhà kinh tế từng là giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Thổ Nhĩ Kỳ khi trận động đất mạnh 7,6 độ xảy ra ở Izmit vào năm 1999, nói với CNN rằng lệnh ân xá xây dựng là “một vấn đề lớn”.
“Họ cứ tiếp tục, xây dựng các tòa nhà. Họ không tuân theo quy chuẩn. Họ biết rằng đến một lúc nào đó, một số chính trị gia - mà họ tài trợ cho đảng chính trị của người ấy - sẽ ân xá cho họ. Đó là một vấn đề lớn.”
Ông Chhibber cho biết thêm, động đất không nhất thiết đồng nghĩa với sự tàn phá trên diện rộng như đã chứng kiến trong tuần qua.
“Nó không nhất thiết phải là một thảm họa ở quy mô này, trừ khi còn do yếu tố con người. Và phần con người đến từ việc chưa thực thi quy chuẩn xây dựng phù hợp. Không có lý gì mà những tòa nhà này lại sụp đổ dễ dàng như vậy. Một số được xây dựng mới cách đây chỉ một, hai năm", ông Chhibber nói.