Hàng rào bảo vệ trước đợt dịch mới 

Dường như một vòng chu kỳ đang lặp lại khi ngay trước thềm Năm mới 2022, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng sau nhiều tháng không có ca mắc mới, sau đó là những ca mang biến thể Delta, làm bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ năm.

Chú thích ảnh
 Người dân đợi xét nghiệm COVID-19 sau khi tòa nhà chung cư bị phong tỏa tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân Hong Kong một lần nữa được khuyến cáo nhanh chóng thiết lập "hàng rào bảo vệ" trước đợt lây nhiễm được dự báo là phức tạp và nghiêm trọng này.

Biến thể Omicron và biến thể Delta đã xâm nhập cộng đồng, tạo thành nhiều chuỗi lây nhiễm ở Hong Kong, từ các trường học, khu dân cư, trung tâm mua sắm lớn, cửa hàng thú cưng… trong những ngày qua đều ghi nhận các ca mới.

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 liên tiếp ghi nhận ở mức 3 chữ số. Chính quyền Đặc khu thậm chí lần đầu tiên đã buộc phải phong tỏa một khu chung cư, với gần 3.000 người, trong 5 ngày. Với tình hình dịch hiện nay, ít có khả năng các biện pháp hạn chế được nới lỏng sau Tết Nguyên đán.

Nguồn gốc đợt bùng phát này là các thành viên phi hành đoàn của hãng Cathay Pacific đã không tuân thủ nghiêm túc quy định phòng, chống dịch bệnh trong thời gian cách ly tại nhà, làm lây lan dịch ra cộng đồng. Dựa trên kinh nghiệm ứng phó với 4 làn sóng dịch bệnh trước đó, chính quyền Hong Kong đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.

Các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học lần lượt chuyển sang học trực tuyến. Các nhà hàng không được đón khách sau 6 giờ tối, đóng cửa một số khu vui chơi giải trí như phòng tập gym, bể bơi, quán rượu, hộp đêm và bảo tàng…, cho đến sau Tết Nguyên đán.

Hong Kong cũng đã hạn chế người nước ngoài nhập cảnh khi cấm các chuyến bay từ 8 quốc gia Australia, Canada, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Anh và Mỹ, đưa hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách các khu vực có nguy cơ cao, không được quá cảnh qua Sân bay quốc tế Hong Kong. Diễn biến phức tạp nói trên khiến ngày Hong Kong thông quan miễn cách ly với Trung Quốc đại lục càng trở nên xa vời.

Sau hơn nửa năm dịch COVID-19 yên ắng, người lao động Hong Kong lại phải tiếp tục đối diện với vô vàn khó khăn. Làn sóng dịch bệnh lần này dự kiến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 700.000 người. Trước và sau Tết Nguyên đán vốn là mùa cao điểm tiêu dùng, nhưng giờ đây các nhà hàng đều bị hạn chế hoạt động. Hội chợ hoa Tết, một nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân ở Hong Kong, tiếp tục lỗi hẹn. Khu Causeway Bay với các trung tâm mua sắm nổi tiếng như Times Square và SOGO, sau khi liên tiếp phát hiện các trường hợp mắc COVID-19, cảnh tượng đông đúc thường thấy đã không còn. 

Để giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống của người dân, chính quyền Hong Kong đã công bố Quỹ phòng chống dịch 5.0 với số tiền khoảng 3,57 tỷ HKD (tương đương 458 triệu USD). Các cơ sở, ngành nghề và những người chịu ảnh hưởng trực tiếp do các biện pháp giãn cách xã hội lần này sẽ được hỗ trợ, như nhà hàng, thẩm mỹ viện, trung tâm thể dục, huấn luyện viên thể thao, người làm nghệ thuật cá nhân… Những ngành đã bị “đóng băng” trong thời gian dài như du lịch và vận tải hành khách qua biên giới cũng tương tự.

Chính quyền Đặc khu cũng kêu gọi các cơ quan, đơn vị cho nhân viên làm việc luân phiên tại nhà từ ngày 25/1. Chương trình “bong bóng vaccine” sẽ được mở rộng từ ngày 16/2, theo đó chỉ những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine mới được phép đến những địa điểm như cơ quan công sở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, phòng tập thể thao, rạp chiếu phim và thư viện…

Giáo sư Viên Quốc Dũng thuộc Đại học Hong Kong, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh, vì thế người dân nên đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 càng sớm càng tốt, đặc biệt là người già hoặc những người mắc bệnh mãn tính. 

Theo chuyên gia hô hấp, bác sĩ Lương Tử Siêu, trước đây, sau khi phát hiện ca bệnh, cơ quan chức năng lập tức phong tỏa, truy vết, xét nghiệm liên tục là có thể ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập cộng đồng. Nhưng Omicron lại có chu kỳ lây truyền ngắn, nhanh chóng chuyển từ âm tính sang dương tính, khiến virus càng dễ xâm nhập cộng đồng.

Ông đề xuất các cơ quan đơn vị bố trí cho nhân viên làm việc luân phiên 50% tại nhà để giảm nguy cơ bùng phát dịch tại nơi làm việc. Chính quyền đặc khu cũng kêu gọi người dân sử dụng hộp thư, email để liên hệ, phải đeo khẩu trang, sử dụng ứng dụng “Đi lại an toàn” (LeaveHomeSafe), kiểm tra thân nhiệt khi vào tòa nhà.

Hiện có 78,1% dân số tại Hong Kong đã tiêm mũi đầu tiên, 70,6% dân số tiêm đủ liều cơ bản, 815.000 người được tiêm mũi tăng cường kể từ khi thành phố này thực hiện tiêm chủng đại trà vào tháng 2/2021. Nhằm bảo vệ trẻ em trước làn sóng dịch bệnh mới, chính quyền đã triển khai tiêm vaccine của Sinovac cho trẻ từ 5-11 tuổi từ ngày 21/1 và sẽ tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech từ ngày 16/2. 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo đợt dịch lần này phức tạp hơn khi biến thể Omicron có khả năng lây lan nhanh, có thể sẽ phải mất 2-3 tuần nữa mới có thể khống chế được dịch bệnh. Vì thế, người dân một lần nữa cần nâng cao ý thức phòng chống COVID-19, giảm tiếp xúc, hạn chế các cuộc tụ họp, ăn uống giữa các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm xây dựng “hàng rào bảo vệ” cho toàn xã hội. Chỉ như vậy, cuộc sống mới có thể sớm trở lại được bình thường.

Mạc Luyện (Pv TTXVN tại Hong Kong)
Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng
Cảnh báo Hong Kong đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng

Ngày 22/1, cơ quan y tế Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo đặc khu tài chính này đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ khi số ca mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN